Tiếu Ngạo Giang Hồ
Tác giả | Kim Dung |
Thể loại | TTVH - Thế Giới |
Chủ đề | Tiểu thuyết |
Số lượt xem | 310 |
Tổng thời gian nghe | 266 giờ 31 phút |
Tổng thời lượng sách nói | 66 giờ 52 phút |
Kim Dung có trí tưởng tượng rất phong phú và khả năng miêu tả ngoại hình, tâm lý nhân vật rất tài tình. Sau khi tìm hiểu thì được biết Kim Dung từ nhỏ đã có một thư viện sách tại gia và đọc rất nhiều văn cổ nên mình nghĩ nền tảng đó góp phần thành công rất lớn cho các tiểu thuyết võ hiệp của ông.
Có những đoạn Kim Dung miêu tả tâm lý nhân vật quá đỗi chính xác dù nhân vật là nam tử mới lớn “nổi tánh trẻ con” giữa cơn nguy nan vừa thoát nạn, hay là nữ nhi “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Ông già, bà trẻ, kẻ mới lớn, tiểu thư xốc nổi hiếu thắng, kẻ ngông nghênh kiêu ngạo, kẻ gian xảo dối trá, kẻ ngụy quân tử,… Kim Dung viết về suy nghĩ và tâm lý của họ như viết về chính mình. Để trở thành nhà văn, phải thoát ra khỏi cái bóng của chính mình, Kim Dung đã làm được điều đó và trở nên cây bút lớn.
Về các nhân vật trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, chắc cũng như phần đa mọi người, mình yêu mến anh chàng Lệnh Hồ Xung. Rõ ràng anh chàng đã được Kim Dung ưu ái khắc họa bằng rất nhiều phẩm chất tốt đẹp. Chỉ có một hành động duy nhất của Lệnh Hồ thiếu hiệp khiến mình bất mãn là khi anh chàng chỉ vì muốn làm tiểu sư muội Linh San vui lòng liền đưa thân mình vào lưỡi kiếm của nàng khiến bản thân bị trọng thương. Lúc đó mình chợt nghĩ ngay Lệnh Hồ Xung nông nổi chỉ biết làm vui lòng một người vì chuyện không đáng, khiến người khác yêu thương mình là Doanh Doanh và Nghi Lâm phải đau lòng, bản thân cũng gặp nguy hiểm. Ngay sau đó Kim Dung có để cho Lệnh Hồ Xung nghĩ ra được điều này nên vớt vát lại chút hình tượng trong mình, nhưng nhìn chung vẫn “ghi sổ” chuyện này, bổn cô nương cho Lệnh Hồ nhà ngươi một điểm trừ, hihi.
Sau mình cũng nghĩ rằng Kim Dung để Lệnh Hồ Xung hành động như vậy là để thoát ra khỏi cuộc tỉ vỏ đoạt ngôi Ngũ Nhạc chưởng môn. Bị thương bởi Linh San chừng như là cái cớ dễ chịu hơn hẳn so với việc cứ liên tục thoái thác tỉ võ hay nhượng bộ Nhạc Bất Quần thì càng khiến quần hào thêm bất mãn. Hành động đó lại cũng hợp với bản tính của chàng, “chết dưới hoa mẫu đơn, làm ma cũng phong lưu”, vì để tiểu muội dấu yêu vui lòng, chuyện gì cũng làm được. Chỉ tội Doanh Doanh và Nghi Lâm!
Nhân vật nữ mình yêu thích nhất trong tác phẩm này là Doanh Doanh, cô có đầy đủ các đức tính của một người vợ tốt: một người tình đáng yêu, một người vợ chung thủy hết lòng vì chồng, một người bạn đời thông minh mẫn cán. Lệnh Hồ Xung phải nói là cực kỳ thông minh mới có được Doanh Doanh, hai người này xứng đôi không cần bàn cãi nhiều.
Nhân vật đáng thương nhất theo mình là Nhạc Linh San và Lâm Bình Chi.
Mình không trách Nhạc Linh San vì yêu Lâm Bình Chi khiến Lệnh Hồ đau khổ. Một cô gái trưởng thành dưới sự bảo bọc giáo dục của bậc cha mẹ mang danh quân tử, lỗi lạc. Việc cô thần tượng cha mình và đem hình tượng cha mà tìm ý trung nhân là điều dễ hiểu. Rất nhiều người trong chúng ta vẫn thường thần tượng và mong kiếm được người bạn đời giống như cha hay mẹ của mình. Lệnh Hồ Xung tuy lớn lên cùng Linh San và có nhiều tình cảm gắn bó nhưng việc cư xử nói năng, suy nghĩ thường ngày của chàng rất khác Nhạc Bất Quần và nhiều lần khiến ông này nổi giận đã làm Lệnh Hồ Xung ngày càng xa hình mẫu trong lòng Linh San. Sự xuất hiện của Lâm Bình Chi cùng sự sắp đặt khéo léo của Nhạc Bất Quần khiến Linh San non nớt yêu Lâm Bình Chi không đoái hoài Lệnh Hồ Xung và tự cho tình cảm của mình với Xung chỉ là huynh muội. Phải nói Linh San là nhân vật cực kỳ đáng thương vì cái chết của nàng đồng thời gián tiếp và trực tiếp gây ra bởi hai kẻ mà nàng kính yêu tôn sùng nhất. Thật đúng là “đời cha ăn mặn đời con khát nước”.
Mẹ của Nhạc Linh San cũng là một người phụ nữ chính trực tốt bụng nhưng bất hạnh vì lấy phải người chồng như Nhạc Bất Quần, canh bạc lớn nhất của đời bà đã hoàn toàn đặt nhầm cửa.
Nhân vật còn lại đáng thương không kém với Nhạc Linh San là Lâm Bình Chi. Phải nói ở những đoạn đầu miêu tả hoàn cảnh và tính khí Lâm Bình Chi, người đọc dễ dàng có thiện cảm và lo lắng thay cho nhân vật. Kim Dung đã rất tài tình trong việc xây dựng cho độc giả thấy rõ hình tượng một nhân vật do hoàn cảnh sóng gió đau khổ, bị dồn ép cùng cực mà thành ra nham hiểm, thủ đoạn bất chấp. Những tính khí khẳng khái quật cường nếu không được dung dưỡng trong môi trường tốt mà bất hạnh bị dồn ép và bóp méo thì tạo ra một kẻ tàn nhẫn và nguy hiểm vô cùng. Lâm Bình Chi về bản chất không xấu xa như Nhạc Bất Quần, nhưng hoàn cảnh đã khiến chàng thành ra người như vậy và cả cuộc đời cũng đau khổ. Không yêu thương và tận hưởng cảm giác được yêu thương, sống trong thù hận giày vò, nằm gai nếm mật để trả thù, thật là đáng thương biết mấy.
Kim Dung để cho Nhạc Linh San không oán hận Lâm Bình Chi, cũng cho thấy cái nhìn xót xa của ông đối với cả hai nhân vật, hai đứa trẻ đáng thương. Lệnh Hồ Xung tuy không cha không mẹ nhưng chính nhờ bản tính độc lập và lăn trải từ nhỏ đã giúp chàng biết phân biệt đúng sai, biết nhu cương tùy lúc để giữ chân tính của mình và tránh những va chạm không đáng có với người. Phải nói Lệnh Hồ Xung may mắn hơn Linh San và Bình Chi.
Kết cục Kim Dung để Lệnh Hồ Xung thực hiện lời hứa với Linh San, không giết Bình Chi mà nhốt vào hắc đạo dưới Tây Hồ, Doanh Doanh không giết Lao Đức Nặc mà phế võ công và trói tay chân vào khỉ cho chúng kéo chạy. Kết cục này gợi cho mình một liên tưởng về sự ra đời của một cuộc giải cứu và vượt ngục lần hai sau mấy chục năm nữa. Lao Đức Nặc quỷ kế đa đoan, nếu y thoát ra khỏi bầy khỉ và luyện lại võ công, có khác nào Hướng Vấn Thiên ngày xưa lập mưu giải cứu Nhậm Ngã Hành đâu? Còn Bình Chi với tính khí đó nhất định sẽ ngồi trong ngục tối mà luyện Tịch tà kiếm phổ đến mức thần sầu để thành Đông Phương Bất Bại hai rồi khi được giải cứu sẽ báo thù và náo loạn giang hồ.
Kim Dung đưa ra một cái kết hợp lẽ với quy luật của cuộc sống: Ai cũng mong muốn thái hòa yên bình, nhưng ngay cả lúc cái thiện chiếm thế thượng phong nhất thì mầm mống của cái ác vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng. Thiện và ác không tiêu trừ được nhau mà đấu tranh lẫn nhau liên tiếp không ngừng để giữ thế cân bằng.
Còn nhiều bài học sâu xa khác về nhân quả, về ứng xử giữa người và người được truyền tải qua tác phẩm sách nói này. Mình tự thấy người viết nên tiểu thuyết này quả là bậc kỳ tài mà viết được nhiều tiểu thuyết với hàng nghìn nhân vật chứ không phải một vài thì lại càng đáng ngưỡng mộ. Tự hỏi liệu có phải Kim Dung cũng là một trong số ít những người có trí tuệ siêu việt vượt ra ngoài không gian thời gian và các tiểu thuyết chỉ đơn giản là ông nhìn thấy chuyện thật xảy ra từ muôn nghìn năm trước mà thêm thắt viết lên hay không?
Dù sao chúng ta cũng có những tác phẩm thiệt là đáng để nghiên cứu và học hỏi.