Ỷ Thiên Đồ Long Ký
Tác giả | Kim Dung |
Thể loại | TTVH - Thế Giới |
Chủ đề | Tiểu thuyết |
Số lượt xem | 111 |
Tổng thời gian nghe | 61 giờ 08 phút |
Tổng thời lượng sách nói | 65 giờ 59 phút |
Truyện kiếm hiệp Kim Dung là một hiện tượng văn học đặc sắc mà mình nghĩ những ai đang đọc sách đều nên thử đọc qua một lần. Người đọc Kim Dung không chỉ được bước chân vào một thế giới kiếm hiệp vô cùng sôi nổi và hấp dẫn mà chắc chắn sẽ còn rút ra được nhiều bài học cuộc sống giá trị cho mình. Ỷ thiên đồ long ký là một trong những bộ hay nhất của Kim Dung. Dưới đây là những điều mà mình cảm thấy tâm đắc nhất về bộ truyện này.
Thứ nhất là văn hóa trọng lý lẽ. Nhân vật trong Ỷ thiên đồ long ký nói rất nhiều. Mà hễ nói là nói lý lẽ. Tức là lời nói ra có suy nghĩ, có lý lẽ, lập luận vững chắc và thuyết phục trong đó. Kiểu như “Trương Vô Kỵ, anh là giáo chủ Minh Giáo, nam tử hán đại trượng phu, nói ra có giữ lời không?” – Triệu Mẫn, hay “Hôm nay là ngày vui của giáo chủ tệ giáo và chưởng môn phái Nga Mi, Triệu cô nương quang lâm chúc mừng tức là khách của tệ giáo. Xin các vị nể mặt phái Nga Mi và tệ giáo, để những chuyện đã qua sang một bên đừng vô lễ với Triệu cô nương” – Dương Tiêu, hoặc như “Gã Trần Hữu Lượng kia thì Vi huynh cứ tiện tay trừ khử đi không sao, còn Tống Thanh Thư là con một của đại sư bá tôi, là người chưởng môn tương lại của phái Võ Đang, nên để phái Võ Đang tự thanh lý môn hộ, khỏi làm sứt mẻ tình cảm với đại sư bá” – Trương Vô Kỵ. Kết luận: nếu muốn người khác làm một việc gì thì cần phải có cái lý thật thuyết phục.
Thứ hai là văn hóa trọng trí. Sách nói về các tiểu thuyết Kim Dung tuy là truyện kiếm hiệp, nhưng mình nghĩ so với các phẩm chất dũng đảm thì các phẩm chất trí tuệ và mưu lược vẫn được Kim Dung đặt ở một vị trí cao hơn. Như trong Ỷ thiên đồ long ký, Trương Vô Kỵ là một người có võ công cao cường nhưng vẫn tỏ ra kính trọng Dương Tiêu và Triệu Mẫn hơn: “Mẫn muội và Dương tả sứ đều có tài quyết đoán lúc lâm nguy, thảo nào hai người bàn tính thật là hợp ý nhau, ta thật không có cái khả năng đó”. Một ví dụ khác, đây là lời Trương Tam Phong nhận xét về Trương Vô Kỵ: “Y học được Thái Cực Quyền, Thái Cực Kiếm chẳng qua chỉ do nội công có căn bản, ngộ tính cao, tuy cũng khó thật nhưng chưa phải thật là quí. Còn như y có thể quản thúc các đại ma đầu Minh giáo, Thiên Ưng giáo đưa bọn họ đi lại con đường ngay thẳng, cái đó mới thực sự là một đại sự”. Kết luận: khả năng lãnh đạo được coi trọng hơn khả năng chuyên môn.
Thứ ba, và cũng là điều mình tâm đắc nhất là về thái độ sống. Các nhân vật trong Ỷ thiên đồ long ký đều là những tay hào kiệt trong giới giang hồ võ lâm. Thái độ sống của họ là thái độ sống hướng ngoại và tích cực. Họ là những con người suy nghĩ và hành động không ngừng. Họ ưa thích phiêu lưu hành hiệp trượng nghĩa và không sợ hiểm nguy. Không có những kiểu nhân vật mang tâm sự ẩn uất hay thái độ bất mãn về cuộc đời. Dù là thiện hay ác thì tất cả đều chọn thái độ sống dấn thân, và hành động có mục đích, lý tưởng rất rõ ràng. Tóm lại, mình nghĩ Ỷ thiên đồ long ký, mà có lẽ cả các truyện khác của Kim Dung cũng vậy, nhờ cái không khí giang hồ sôi nổi, quyết liệt trong truyện nhất định sẽ gây được cho người đọc một nguồn cảm hứng lớn để tiếp tục cố gắng trong cuộc sống.