Thuật Xử Thế Của Người Xưa
Tác giả | Nguyễn Duy Cần |
Thể loại | Kĩ Năng Quan Trọng |
Chủ đề | Giao tiếp Cổ nhân |
Số lượt xem | 86 |
Tổng thời gian nghe | 19 giờ 45 phút |
Tổng thời lượng sách nói | 03 giờ 21 phút |
Thuật xử thế của người xưa không phải là chủ đề mới mẻ hay hoàn toàn lạ lẫm đối với mỗi người. Từ xưa đến nay, trong những bài học của thầy cô, những lời răn dạy từ cha mẹ, ông bà đều nhắc đến những nguyên tắc mà ta nên làm theo vì đó là những bài học đúc kết từ kinh nghiệm của người xưa. Đến thời hiện đại, những cách đối nhân xử thế được đưa vào nhiều cuốn sách hướng dẫn để phát triển bản thân.
Khi nghe sách nói “Thuật xử thế của người xưa” các bạn sẽ nhận ra điểm khác biệt, cuốn sách không chỉ ra tường tận từng cách bạn nên xử lý trong những tình huống giao tiếp như thế nào, mà qua những điển tích, phân tích ra những điều cốt lõi của vấn đề để độc giả cảm nhận theo cách của riêng mình.
Tác giả cuốn sách “Thuật xử thế của người xưa”
Được viết bởi Nguyễn Duy Cần, “Thuật xử thế của người xưa” nằm trong bộ sách thuộc chủ đề học làm người và nghệ thuật sống của tác giả. Cụ Nguyễn Duy Cần sinh năm 1907 tại Tiền Giang, bút hiệu là Thu Giang. Với kho tàng đồ sộ những cuốn sách về nhiều chủ đề, bên cạnh nghệ thuật sống và đạo làm người, cụ Nguyễn Duy Cần còn viết về chuyên khảo, và Dịch Đạo, kiến thức y học phương Đông và châm cứu của cụ rất uyên thâm nhưng đáng tiếc cụ không viết cuốn sách nào về y học.
Những cuốn sách của cụ luôn mang lại những bài học và giá trị lớn lao, vì vậy, Thu Giang Nguyễn Duy Cần luôn được xem là một trong những học giả nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam vào giữa thế kỷ XX. Bên cạnh Thuật xử thế của người xưa, cụ Nguyễn Duy Cần còn có nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như Cái dũng của thánh nhân, Cái cười của thánh nhân, Thuật yêu đương, Óc sáng suốt, Tôi tự học… Những năm cuối đời, cụ chuyển về Bình Thạnh, ngừng viết sách, lui về ở ẩn và mất năm 1998.
Tác phẩm “Thuật xử thế của người xưa”
“Thuật xử thế của người xưa” được viết năm 1954, bao gồm những điển tích khắp đông tây kim cổ về đạo xử thế đầy thâm thúy và sâu sắc của những bậc thánh nhân thời xưa. Xã hội càng phát triển thì đạo làm người càng được đề cao, hướng đến tinh thần chân, thiện, mỹ, “Thuật xử thế của người xưa” là những lời khuyên một cách ý nhị của tác giả về thuật giao tiếp giữa người với người, với bậc bề trên, cũng như với nội tâm của chính mình.
Nội dung nổi bật trong “Thuật xử thế của người xưa”
“Thuật xử thế của người xưa” lấy cốt lõi về đạo học Đông phương, đưa ra những ví dụ và câu nói để đi sâu phân tích những điểm yếu trong cách xử thế của con người.
Lòng tự ái
“Thuật xử thế của người xưa” có nói rằng, con người, dù là tầm thường nhất đều coi cái tôi của mình là trên hết. Ở đời, con người thường có khát khao thay đổi người khác để đạt được cái sở nguyện cá nhân của mình. Cụ Nguyễn Duy Cần khuyên ta nên gạt bỏ cái tôi và lòng tự ái sang một bên, vì đó là nguyên nhân dẫn đến thất bại của nhiều bậc anh hùng thời xưa, cũng là cái gốc sâu xa của mọi xích mích, mâu thuẫn giữa người với người.
Mọi việc ta suy xét, đừng chạm vào lòng tự ái của người khác, cũng nên đặt mình vào tầm tri thức và nhận thức của họ trước khi đưa ra bất kỳ lời phán xét nào, có được thiện cảm là có được lòng người, là cái dẫn đến thành công của ta sau này.
“Sự phải biết thì vô cùng, còn sức hiểu biết của mình thì có hạn; lấy cái hữu hạn mà lượng cái vô cùng… thật khó lòng mà làm nổi”
Chữ lễ của Á Đông
Trong “Thuật xử thế của người xưa”, tác giả đã nhận định rằng “tất cả thuật xử thế của người Á Đông, đều ở trong một chữ Lễ”. Hiểu được chữ lễ, là hiểu được cách bỏ qua được bản ngã của chính mình, không làm tổn thương bản ngã của người khác, vô tư, không vụ lợi với một cái tâm chân thành. Nhưng cảnh giới này thực sự không phải ai cũng ngộ ra mà làm được. Nếu đạt được, thì cuộc sống đã đơn giản và hạnh phúc hơn, hưởng thụ những điều tốt đẹp của cuộc đời như câu chuyện về cách xử thế của Phan Thanh Giản và người bạn trong cuốn sách.
“Cái tâm cảm tự ty thường khiến họ có những cử chỉ tự trọng thái quá: họ rất dễ bị phấn khích vì những thói khinh bạc của người trên. Ta nên biết mà tha thứ trước cho họ: chẳng qua đó là một lối họ trả thù cái địa vị cao sang tài đức của mình hơn họ mà thôi.”
Có tài mà cậy chi tài
Cái ngông cuồng của người có tài luôn đem đến những hệ quả tai hại khi không hiểu được bản chất của thói đời. Lòng đố kỵ, ghen ghét vẫn luôn tồn tại giữa những kẻ thấp kém và kẻ thông minh, học cách đối xử với bản thân thật nghiêm khắc nhưng hãy cư xử khôn ngoan với người khác. Biết nhưng không khoe khoang, khiêm tốn và coi trọng người khác ắt sẽ được ghi nhận.
“Tước vị cao, người ta ganh. Quyền thế lớn, người ta ghét. Lợi lộc nhiều, người ta oán”.
Ân và oán
“Ân càng thâm thì oán càng sâu”, không ai muốn thừa nhận sự bất lực của bản thân và phải nhờ cậy đến sự giúp đỡ của người khác, đặc biệt hơn nữa là sự giúp đỡ khi người khác không yêu cầu. Giúp đỡ nhưng không mang tâm địa cá nhân, không bàn về cái lợi hại có được, không vì khoe khoang vị thế của bản thân mà ra tay giúp đỡ, đó mới là cái ân chân thành, bằng không, chỉ nhận lại sự oán trách sâu sắc mà thôi. Con người, khi vị thế ngang tầm nhau, không tìm được điều mình thiếu ở đối phương thì mới không xảy ra tranh chấp.
“Cái ghét nhất của người đàn bà đẹp, là có người đẹp hơn mình… Cái ghét nhất của người thông minh, là có người thông minh hơn mình. “Người ta chịu thích học văn hay mà không thích gần người viết văn hay…”. Cái đó mình cũng có thể hiểu được.
Đạo cương nhu
“Thuật xử thế của người xưa” đề cập đến đạo cương nhu để khuyên răn con người nên biết lấy đại cục làm trọng. Dùng nhu hay cương đều phụ thuộc vào hoàn cảnh, nhưng kiểm soát được chữ “nhẫn” để hóa giải mọi việc sẽ làm nên việc lớn.
“Nhịn được cái điều người ta không thể nhịn được, dung được cái điều người ta không thể dung được… Phải là người độ lượng hơn người, kiến thức hơn người, điềm tĩnh hơn người, mới làm nổi’
Thời xưa có lời bình của Tô Thức, Ngô Tử Tư, Trương Lương, Tử Phòng, Khổng Tử, gần thời nay có Gandhi, tất cả đều chỉ ra rằng những người thắng được nỗi sợ hãi bên trong, luôn giữ được vẻ ung dung điềm tĩnh bên ngoài, đều là những người nắm được đại cục sau này.
Biết…sống
Là tổng hợp của tất cả những điều trên, “biết sống” là biết thời thế thay đổi xoay chuyển thế nào để có thể ứng biến phù hợp. Nhưng điều này vốn dĩ không dễ, con người thường dễ biết tiến mà không biết lùi, chỉ biết lấy mà không biết bỏ đi, dẫn đến nhiều hành động hối hận sau này. Đến cả bậc thánh nhân cũng phải than rằng “Ở đời không có cảnh ngộ nào dễ xử…”, nhưng một khi ta biết nhận thức được tầm quan trọng của việc “biết sống” cũng đạt được thành công trong nghệ thuật đối nhân xử thế.
Lời kết
Sách nói “Thuật xử thế của người xưa” không phải là cuốn sách bạn có thể nắm trọn ý nghĩa truyền tải trong lần đọc đầu tiên, sau mỗi lần nghiền ngẫm, độc giả sẽ nhận ra được triết lý sâu sắc qua từng câu chuyện và sự lồng ghép phân tích của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần, áp dụng nó là cả một đời người, nhưng sẽ là một sai lầm nếu cố gắng sao chép lối sống của người xưa mà không suy nghĩ thấu đáo, vì thực ra bạn sao có thể sống như cuộc sống của thành nhân.