Hoảng Loạn, Hỗn Loạn Và Cuồng Loạn

Tác giả Charles P Kindleberger Robert Z Aliber
Thể loại Kiến Thức Kinh Tế
Chủ đề Kinh tế
Số lượt xem 495
Tổng thời gian nghe 136 giờ 37 phút
Tổng thời lượng sách nói 12 giờ 13 phút
Hoảng loạn, Hỗn loạn và Cuồng loạn là sách nói nghiên cứu công phu về khủng hoảng, một chuyên khảo đúng nghĩa của đề tài này. CPK đã truyền tải một lượng thông tin lớn về các cuộc khủng hoảng tài chính thế giới trong vòng 400 năm, ông phân tích khá rõ về nhiều cuộc khủng hoảng giúp ta hiểu thêm đôi khi chính sự hành động “phi lý” của chúng ta đã dẫn đến hậu quả bi thảm đó. Một vài tình tiết thỉnh thoảng bị lập lại làm cấu trúc sách hơi lủng củng. Dẫu sao đây cũng là một sách nói rất nên nghe, nhất là đối với dân kinh doanh và tài chính.

Giới thiệu sách nói Hoảng Loạn, Hỗn Loạn Và Cuồng Loạn – Tác giả Charles P Kindleberger, Robert Z Aliber

Hoảng Loạn, Hỗn Loạn Và Cuồng Loạn

Charlie Kindleberger (hay còn gọi là CPK) là một người rất say mê công việc: am hiểu, trách nhiệm, mong muốn tìm hiểu mọi thứ, đầy cá tính và trên hết đó là sự năng nổ nhiệt tình. Những phẩm chất này được thể hiện xuyên suốt trong cuốn Hoảng Loạn, Hỗn Loạn Và Cuồng Loạn.

Tôi cho rằng CPK bắt đầu viết Hoảng Loạn, Hỗn Loạn Và Cuồng Loạn bằng âm hưởng của văn phong lịch sử tự nhiên, phần nào giống với Darwin trong giai đoạn lênh đênh trên con tàu thám hiểm Beagle – thu thập, phân tích và phân loại các mẫu vật kỳ lạ. Hoảng Loạn, Hỗn Loạn Và Cuồng Loạn có lợi thế hơn so với những loài gặm nhấm, chim và bọ cánh cứng vốn được nhà nghiên cứu đương thời miêu tả theo lối hoa mỹ, đôi lúc rất sâu sắc, đôi lúc lại vô nghĩa. Đó là phong cách viết của CPK nhưng chỉ khác là ông viết bằng giọng văn của một nhà sử học kinh tế đang trên con đường tìm kiếm và nghiên cứu những sự kiện lạ thường, chứ không phải là theo đuổi những lịch trình được hệ thống hóa từ trước.

Tất nhiên, CPK là một nhà kinh tế học đã qua đào tạo và trải nghiệm thực tế, ông đã sớm tìm ra các mô hình và quy luật kinh tế, mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả. Đặc biệt ông đã nhận ra những điều bất hợp lý diễn ra thường xuyên gây ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới các sự kiện và khiến mọi người có cái nhìn lệch lạc về bản chất sự kiện. Bản chất những điều này có lẽ chỉ đơn thuần là một thông tin giải trí. Nhưng CPK đã tạo nên những điều khác lạ khi nghiên cứu sự tương tác giữa hành vi và các thể chế. Bản chất của các sự kiện được đề cập trong sách nói này, và quy mô hoạt động của nó phụ thuộc phần lớn vào các thể chế liên quan đến tiền tệ và thị trường vốn trong từng thời điểm.

Có thể ngay từ đầu CPK không thể hiểu rõ các cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra khắc nghiệt đến mức nào. Hai mươi lăm năm sau ngày ấn phẩm đầu tiên được xuất bản khắc họa một bức tranh tổng thể về sự hỗn loạn trong hệ thống các ngân hàng quốc gia, sự biến động về tỷ giá và bong bóng giá tài sản.

Những thông tin mới luôn được cập nhật trong những ấn phẩm tiếp theo. Hiện trạng lịch sử này không đơn thuần bắt nguồn từ sự vô lý của con người, mặc dù the Law of the Deterioration of Everything (Quy luật về sự tàn phá mọi thứ) từ một người bạn Đức của chúng ta đã lôi cuốn CPK. Của cải tăng lên, hệ thống truyền thông nhanh hơn và rẻ hơn, và sự thay đổi hệ thống tài chính quốc tế và của từng quốc gia cũng đóng một vai trò lớn không thể phủ nhận được, được trình bày trong Chương 13, đã được Robert Aliber bổ sung thêm vào ấn phẩm này. Nỗ lực của CPK trong lịch sử kinh tế đã giúp ông nhận ra chủ đề mà ông sẽ viết dường như sẽ không vượt ra ngoài âm hưởng này.

Review sách nói Hoảng Loạn, Hỗn Loạn Và Cuồng Loạn

Quyển thứ tư tôi review có một cái tên hết sức ấn tượng, hấp dẫn đến nỗi chỉ cần lướt qua bìa sách tôi đã muốn ngấu nghiến nó ngay, “Hoảng loạn, hỗn loạn và cuồng loạn” của hai tác giả Charles P. Kindleberger (CPK) và Robert Z. Aliber, do AlphaBooks và Nhà xuất bản Tri thức giới thiệu. Một sách nói tập trung nghiên cứu về khủng hoảng tài chính của nhân loại trong gần 400 trăm năm.

[Tôi nghĩ là người dịch đã rất khéo léo khi chọn một cách chuyển ngữ tên sách độc đáo từ nguyên gốc tiếng Anh Manias, Panics và Crashes. Tuy nhiên, chắc người dịch cũng ngậm ngùi khi đành bỏ qua từ hay nhất trong cụm đó “Crashes” –“Sụp đổ”, kết quả “bi thảm” tất yếu của hầu hết các cuộc khủng hoảng.]

Quyển sách được xuất bản lần đầu vào năm 1978 và phiên bản bổ sung cập nhật vừa được phát hành vào năm 2005. Hiện tại, đây vẫn là quyển sách yêu cầu phải đọc đối với những người theo học Thạc sỹ quản trị kinh doanh trong rất nhiều trường Đại học ở Hoa Kỳ. [Nếu bạn có ý định với MBA, đừng bỏ qua quyển này nhé :D]

Chương 1. Khủng hoảng tài chính, chủ đề lịch sử quen thuộc.

CPK tóm lược lịch sử khủng hoảng của nhân loại trong 400 năm, bắt đầu từ khi bong bóng “Hoa tulip Hà Lan” nổ tung vào thời kỳ xa xưa năm 1636 đến khi con cháu nhiều đời của nó bong bóng “cổ phiếu thị trường OTC” của Mỹ mới nổ tung vào những năm đầu của thiên niên kỷ mới. [Đáng tiếc là quyển này không cập nhật kịp cuộc khủng hoảng và suy thoái năm 2007 vừa qua.]. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thế giới và sự tiến bộ của khoa học công nghệ là sự tăng trưởng của các cuộc khủng hoảng. Tài chính toàn cầu lớn lên cùng khủng hoảng. Hơi mỉa mai một chút, nhưng những sự kiện xảy ra trong quá khứ đã chứng minh rằng dù chúng ta có đoán biết trước được điều tồi tệ sẽ ập đến nhưng cũng khó lòng mà ngăn chặn nó. Vậy chúng ta sẽ làm gì đây?

Hãy cùng CPK và RZA mổ xẻ về người anh em của nền kinh tế- khủng hoảng.

Chương 2 . Giải phẫu một cuộc khủng hoảng điển hình.

Đã có hàng trăm cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhỏ xảy ra trên thế giới, và cũng đã có hàng ngàn bài báo, hàng ngàn bài phân tích, thảo luận về các cuộc khủng hoảng đó. Liệu có điểm gì chung giữa cuộc khủng hoảng đầu tư tại Mexico năm 1990-1993 với một cuộc khủng hoảng nào đó xảy ra cách nó bốn thế kỷ? Liệu có phải khủng hoảng cũng có mô típ như các câu truyện cổ tích, một cô bé nghèo luôn gặp được hoàng tử tốt bụng không?

Giáo sư kinh tế học Hyman Minsky đã nghiên cứu và tìm ra một “công thức chung” cho các loại “bánh” khủng hoảng. Để làm thành một cuộc khủng hoảng tài chính, người ta cũng cần phải trải qua các công đoạn nhất định ví dụ từ “sự phởn phơ” đến “điên loạn” rồi “cúc sốc” sau đó là “hoảng loạn” cuối cùng dẫn đến “sự sụp đổ”.

Tuy gặp một số tranh luận trái chiều hợp lý, nhưng khi xem xét kỹ những thế hệ khủng hoảng, mô hình của Minsky vẫn còn ý nghĩa và giá trị nhất định.

Chương 3. Các cơn điên loạn về đầu cơ

Chương 4. Châm ngòi lửa mở rộng tín dụng.

Chương 5: Giai đoạn nguy cấp.

Câu chuyện khủng hoảng được kể lại thông qua sự phân tích kỹ lưỡng các giai đoạn cùng với việc so sánh đối chiếu những sự kiện có thật xảy ra trong quá khứ. Ngày huy hoàng- đêm kinh hoàng.

Khi nền kinh tế đang trên đà phát triển như diều gặp gió, người ta thức dậy, thấy cuộc đời toàn màu hồng, thế là hớn hở đầu tư để trông chờ tương lại tươi sáng. Có những người háo hức đi mua hàng, có những người hăm hở cho vay tiền để mua hàng. Những thành tựu bước đầu lại làm xã hội thêm nức lòng. Người người vay tiền, nhà nhà cho vay tiền. Giàu xổi khiến người ta mờ mắt, và bắt đầu hành động “bất hợp lý”. Bất chấp những lời khuyên răn, cơn điên loạn vẫn leo thang, bong bóng ngày càng căng.

Bánh xe kinh tế đang quay nhanh trơn tru, bỗng vấp phải chướng ngại, một cú sốc dẫn đến nguồn cung tiền, nhiêu liệu chạy nguồn máy, bị hạn chế. Mất vốn, giá cả tụt dốc thảm hại, cơn khát tiền bao trùm lên toàn xã hội. Bong bóng vỡ tung, những người đang bay trên thiên đường rơi thẳng xuống địa ngục….

Chương 6 Trạng thái phởn phơ và sự bùng nổ kinh tế.

Lịch sử đã đúc kết lại rằng, khi một bong bóng ở thị trường này căng phồng cũng bơm lên một bong bóng ở thị trường khác. Vì vậy, cũng thật dễ hiểu khi một cái nổ sẽ dẫn đến một chùm bong bóng phát nổ. Bất động sản và chứng khoán là hai ván bài lớn của những con bạc đầu cơ, khi một bên sụt giá, bên kia cũng đứng trên bờ hấp hối, sự vỡ nợ lan truyền và tăng cấp độ nghiêm trọng làm kiệt quệ những tay đánh cược và các thể chế tài chính cấp vốn cho họ. Một số sống lay lắt nhờ vào trợ cấp ngầm từ chính phủ, một số không có được kết cục tốt đẹp.

Chương 7. Sự lây lan trên toàn cầu.

Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, hiếm có một quốc gia nào sống bơ vơ trên ốc đảo, “công nghiệp” và “thương mại” [chưa kế đến công nghệ thông tin] đã khiến “cả thế giới thu hẹp trong một thành phố”. Thế nên, khi nhà mình cháy thì nhà hàng xóm cũng khó thoát được ngọn lửa. Sụp đổ lan rộng như hiệu ứng domino, “sự hoảng loạn là một hiện tượng có tính chất toàn cầu”. Thật khó để truy lùng xem mồi lửa bắt đầu từ đâu, có lẽ nhà anh có rơm, nhưng nhà tôi mới chứa lửa. Điều tốt nhất nên làm là tìm cách dập tắt khủng hoảng, cứu vớt tình hình và tìm cách ngăn chặn từ lúc khói mới bốc lên.

Chương 8. Sự lan truyền bong bóng, từ Tokyo đến Bangkok đến New york

Trong chương này, tác giả đã đặc biệt phân tích một “ca” tiêu biểu của khủng hoảng trên đủ mọi phương diện, từ thị trường sang thị trường, từ quốc gia sang quốc gia và từ thập kỷ này sang thập kỷ khác. Câu chuyện đau lòng khởi nguồn khi người Nhật ngât ngất trên tài sản khổng lồ từ bất động sản và kết thúc khi chứng khoán Mỹ rớt giá trầm trọng hơn mười năm sau đó. [Thực chất hậu quả của nó còn kéo dài nhiều năm sau]. Sự sụp đổ trên một thị trường/quốc gia khiến cho dòng tiền chảy ồ ạt vào một thị trường đầy mời gọi khác nhưng đồng thời cũng rót theo đó những nguy cơ bất ổn. Sự thần kỳ Nhật Bản, Phép màu châu Á, sự hồi phục kỳ diệu của kinh tế Mỹ đều phải trả một giá rất đắt.

Chương 9. Gian lận, lừa đảo và chu kỳ tín dụng.

Một chương cực kỳ hấp dẫn cho những ai đam mê đầu tư. CPK đã bóc trần nhiều mánh khóe, thủ đoạn từng được sử dụng trong các cuộc khủng hoảng. Một Nick Leeson sử dụng tài sản công ty để đánh cược dẫn tới sự suy sụp một ngân hàng danh tiếng của London. Một “quý ông” Enron sang trọng, hào nhoáng, doanh nghiệp lớn thứ bảy của nước Mỹ lại là kẻ lừa lọc, nợ nần ngập đầu. Một cá lớn “WorldCom “bất bại” chuyến nuốt cá “to”, thôn tính doanh nghiệp khác để phát triển, đã bị thối rửa bên trong từ lâu. Những bài học khác nhau nhưng phảng phất nét tương đồng. Trong bất kỳ thời đại nào, bất kỳ nơi đâu, một khi đã có “cơn điên loạn” đều sẽ xuất hiện bọn “đục nước béo cò” lợi dụng lòng tham-lòng tin của người khác để trục lợi, những tay “lắm tiền nhiều của” ham hố lợi nhuận mà mù quáng vung tiền, những kẻ “làm chứng” bị bịt miệng bởi vàng nên thông đồng dối trá, và những người dân lương thiện mờ mắt vì khoản lợi ngắn hạn mà sa chân vào khủng hoảng. Mundus vult decipi-ergo decipitatur –“thế giới muốn bị lừa dối, hãy để cho nó bị lừa dối”.

Chương 10. Chính sách không can thiệp và các công cụ khác.

Trong cơn hoảng loạn như thế, liệu nhà nước và các thể chế tài chính công khác sẽ đóng vai trò gì? Người cảnh báo? Hay ngưới cứu rỗi. Tranh luận xoay quanh vấn đề chính phủ nên dùng loại biện pháp nào, ưu và nhược điểm của chúng ra sao? Chính phủ có nên ngăn chặn ngay từ đầu –lấy bát ra khỏi bữa trước khi tiệc bắt đầu, hay khoanh tay đứng nhìn chờ cho lửa tự tắt như một hình phạt?

Chương 11. Người cho vay cuối cùng trong nước

Chương 12. Người cho vay cuối cùng quốc tế.

Một trong những công cụ Nhà nước có thể dùng để hồi sức cho nền kinh tế là “Người cho vay cuối cùng”, một hình thức bơm vốn vào nền kinh tế để khắc phục con khát tiền và ngăn chặn sự rớt giá thảm hại của tài sản. Một kiểu anh hùng xuất hiện giúp đỡ trước ngày tận thế. Liệu siêu nhân đó có làm cho nhân loại lơ đễnh cảnh giác, chìm sâu hơn trong điên loạn vì biết sẽ luôn có người cứu? Giả sử người cho vay cuối cùng là cách thức “bất đắc dĩ” thì siêu nhân sẽ là ai đây? Sẽ cứu ai và cứu như thế nào?

Như đã đề cập trong chương trước, khủng hoảng có tính chất toàn cầu, vì thế cũng cần một anh hùng chịu trách nhiệm cứu cả thế giới. Và người hùng này lại phải đối mặt với tỷ giá các loại tiền tệ trên toàn thế giới và những khác biệt về luật pháp giữa các quốc gia. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) từng được kỳ vọng sẽ tròn vai siêu nhân, thế nhưng đến giờ này vẫn chưa nhận được giải cho vai diễn suất sắc.

Chương 13. Bài học lịch sử, những thập niên hỗn độn nhất.

Dù đã học được rất nhiều điều từ lịch sử nhưng chắc chắn nhân loại vẫn phải tiếp tục đồng hành với khủng hoảng trong tương lai. Chúng ta vẫn sẽ tìm kiếm những biện pháp tốt nhất để đối phó với khủng hoảng và khắc phục hậu quả mà nó gây ra. Câu trả lời về một siêu anh hùng cứu rỗi vẫn còn để ngỏ, thế nhưng như giáo sư Robert M. Solow (người chấp bút cho lời giới thiệu) đã nói “những ai đã nghe qua sách nói này ít nhất cũng đã được tiêm chủng một lần” trước bệnh dịch “điên loạn, hoảng loạn và sụp đổ”.

Đây là một sách nói nghiên cứu công phu về khủng hoảng, một chuyên khảo đúng nghĩa của đề tài này. CPK đã truyền tải một lượng thông tin lớn về các cuộc khủng hoảng tài chính thế giới trong vòng 400 năm, ông phân tích khá rõ về nhiều cuộc khủng hoảng giúp ta hiểu thêm đôi khi chính sự hành động “phi lý” của chúng ta đã dẫn đến hậu quả bi thảm đó. Một vài tình tiết thỉnh thoảng bị lập lại làm cấu trúc sách hơi lủng củng. Dẫu sao đây cũng là một sách nói rất nên nghe, nhất là đối với dân kinh doanh và tài chính.

0 review for Hoảng Loạn, Hỗn Loạn Và Cuồng Loạn

Thêm một bài đánh giá

1 2 3 4 5