Tư Duy Phản Biện
Tác giả | Zoe Mckey |
Thể loại | Kĩ Năng Quan Trọng |
Chủ đề | Tư Duy Tư duy phản biện |
Số lượt xem | 902 |
Tổng thời gian nghe | 133 giờ 31 phút |
Tổng thời lượng sách nói | 01 giờ 45 phút |
|
Từ khi sinh ra và lớn lên cho đến lúc trưởng thành, chúng ta được dạy dỗ về những điều đúng đắn, những điều sai trái, chúng ta tiếp thu vô vàn những thông tin mỗi ngày, chúng ta có ý kiến, quan điểm sống riêng nhưng trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc sống, chúng ta không thể sống hoàn thiện và toàn diện nếu không có tư duy. Và chỉ tư duy thôi là chưa đủ, vượt ra khỏi các vòng tư duy thông thường - tư duy phản biện sẽ giúp chúng ta suy nghĩ khác đi và hành động đúng đắn hơn.
“Đã bao giờ bạn mường tượng ra người mà mình sẽ trở thành? Đã bao giờ bạn tha thiết thực hiện bằng được một việc gì đó? Hay bạn có hình dung nào về việc bạn sinh ra để dành cho điều gì chưa?”
Những câu hỏi về cuộc đời, về bản thân chúng ta cứ tiếp tục xoay vòng, chúng ta nên theo đuổi ý nghĩa nào trong cuộc đời mình? Đôi lúc chúng ta mơ ước về những điều to lớn vĩ đại, xây dựng chiếc thang thật cao để đẩy nhanh tốc độ ta chạm đến ước mơ đó nhưng chiếc thang ấy liệu có các chân vững chắc ở dưới để chúng ta có thể leo lên từng nấc thang địa vị, danh vọng chưa? Nhìn xung quanh, chúng ta cảm thấy người khác có một công việc thu nhập cao, xuất thân gia đình tốt, có tài năng đáng ngưỡng mộ, ta lại càng cảm thấy bản thân mình không có gì đặc biệt, không tài năng, không có ý tưởng gì đột phá, và không may mắn.
Tuy nhiên, tất cả điều trên xảy ra là khi chúng ta để cho tâm trí mình trôi theo chế độ “tự động lái”, hãy thử tượng tưởng rằng nếu chúng ta rèn luyện một tư duy phản biện sắc bén để nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc, để không đi theo lối mòn tư duy, không chấp nhận làm những chú cừu ngoan ngoãn thì chúng ta sẽ không mảy may bận tâm những việc ngoài tầm kiểm soát của mình, thay vào đó chúng ta sẽ tự tìm ra, giá trị của bản thân và tận dụng tối đa giá trị đó.
Cuốn sách Tư duy phản biện được viết bởi chuyên gia đào tạo Zoe Mckey sẽ giúp bạn khai thác và tận dụng tối đa sức mạnh trí óc. Cuốn sách này sẽ giúp bạn trả lời cho các câu hỏi:
Làm thế nào để tư duy thông minh hơn?'
Làm thế nào để tin tưởng vào trí tuệ của chính mình?
Từng bước từng bước, cuốn sách sẽ giúp bạn khám phá ra những giá trị tiềm năng của bạn, rèn giũa cho bạn một lối tư duy kỷ luật, tự chủ, tập trung và có định hướng chẳng hạn như:
• Tìm ra “tài năng xuất chúng” của chính mình
•Từ một người nghiệp dư trở thành chuyên gia
• Khám phá chiều sâu của tư duy sáng tạo
• Hiểu được bản chất tự nhiên của sự phán xét để đánh giá tốt hơn
• Dám ước mơ những điều vĩ đại
• Có cơ hội đạt được tự do bằng cách biến tự do thành cơ hội
• Du hành vượt thời gian (hoàn toàn nghiêm túc)
• Đưa ra các quyết định đa chiều
• Thiết lập kỉ luật với bản thân
• … và còn nhiều hơn thế nữa.
Zoe McKey còn tác giả bán chạy nhất trên Amazon cũng đồng thời là một nhà huấn luyện giao tiếp lối sống. Cô được hàng triệu độc giả săn đón nhờ những tư duy và nghệ thuật giao tiếp, bí quyết phát triển bản thân tuyệt vời đã chia sẻ thông qua những cuốn sách của mình và qua blog cá nhân.
Những diễn giải của Zoe McKey trong sách sẽ giúp bạn tìm ra được lý do để bạn sống theo cách của riêng mình, luôn có một lời giải thích cho hành vi của bạn mà chính bạn cũng không nhận ra. Đọc sách Zoe McKey sẽ giúp bạn khai phá trí óc và hành động theo một cách mới để không ngừng tốt hơn trong cuộc sống.
Phần 1: Ước mơ cho đáng ước mơ
“Tôi luôn luôn cảm thấy kinh ngạc trước những ngôn từ và biết bao tầng ý nghĩa chúng hàm chứa. Ví dụ, nếu chúng ta nhìn vào từ “bất khả thi” (impossible), nó mang ý nghĩa tiêu cực. Nó có nghĩa là điều gì đó sẽ không bao giờ xảy ra. Nếu chúng ta nhìn vào những chữ cái này theo một góc độ khác, tạo ra một khoảng cách chữ và một dấu lược, từ này có thể biến đổi thành “I’m possible”, tức là tôi có thể, và mang ý nghĩa hoàn toàn ngược lại.”
Khi chúng ta thay đổi góc nhìn, có phải mọi thứ trở nên đơn giản hơn? Dừng lại 30 giây nhé, hãy nhìn rộng ra thế giới của chúng ta, chúng ta có Albert Einstein, Neil Armstrong hoặc Barack Obama,... Họ đều là những người đã thực hiện những điều mà hàng thập kỷ và hàng thế kỷ trước bị cho là bất khả thi.
Đôi lúc, những ước mơ, những áp lực rằng chúng ta phải trở thành ông nọ bà kia khiến chúng ta bị mắc kẹt. Chúng ta phải chạy theo những xu hướng, ngành nghề hot hiện thời, chúng ta phải chạy theo những khóa học “dạy làm giàu, dạy thành công” để chinh phục những giấc mơ vĩ đại? Những ước mơ này có thực sự đáng, khi chúng không dựa những đặc điểm tính cách, những thế mạnh, điểm yếu của chúng ta?
Cho dù ước mơ của chúng ta chỉ là một giấc mơ nhỏ nhoi, hay đó là một giấc mơ chấn động toàn cầu, giấc mơ không thể tưởng tượng được, thì hãy mong ước những giấc mơ thực sự là của chính bạn, một phiên bản “ hân thật” của bạn mà bạn muốn trở thành. Tác giả chỉ ra một điều mà chắc hẳn chúng ta ai cũng từng nghe “Không điều gì là không thể” - nhưng với một khía cạnh khác, đúng là mọi điều đều có thể nhưng chỉ khi chúng ta chấp nhận những đánh đổi, hy sinh rất nhiều để có được “ tất cả những điều khả thi đó” và bước đầu tiên trong hành trình này là đừng mặc định điều bất khả thi tồn tại, đó đơn giản chỉ là sự thiếu tập trung và thụ động, lười thay đổi, ngại thử thách của chính chúng ta.
Và một trong những kẻ thủ rất lớn của chúng ta khi chúng ta muốn bắt tay thực hiện điều gì đó là sự lo lắng. Chúng ta đôi lúc bị những định kiến của những người xung quanh đánh gục, hay tệ hơn là chính chúng ta không tin tưởng vào bản thân mình, chúng ta có quá nhiều rào cản trong suy nghĩ, những lo sợ đủ thứ trên đời”, “Tôi không có thời gian, tuổi không còn trẻ nữa, tôi sẽ thất bại thôi”.
Bạn hãy ghi nhớ rằng: Điều định nghĩa sự thành công của những người thành công không phải là những thành công của họ, mà chính là những thất bại rồi thử lại, rồi thử lại lần nữa.
Vậy nên ngay bây giờ hãy viết ra những ý tưởng của bạn, những mục tiêu thật cụ thể của bạn và có thể thay đổi cuộc đời mình và có ý nghĩa, hãy thực hiện nó đi, từng bước một, đi chậm rãi từng bước, đừng lo sợ, hãy tự động viên chính bạn luôn tiến lên phía trước như bạn đang trên một chiếc xe đạp nếu bạn không tiến lên, bạn sẽ mãi đứng yên hoặc ngã xuống.
Phần 2: Quản lý thời gian hiệu quả
Ở phần này tác giả đã giới thiệu một cuốn sách tên là The Time Paradox của tác giả Philip Zimbardo và John Boyd. Các tác giả trong cuốn sách The time Paradox đã chia ra sáu quan điểm về sử dụng thời gian sống khác nhau:
• Chủ nghĩa sống cho Quá khứ - tiêu cực
• Chủ nghĩa sống cho Quá khứ - tích cực
• Chủ nghĩa sống cho Hiện tại – cam chịu số phận
• Chủ nghĩa sống cho Hiện tại – hưởng thụ cuộc sống
• Chủ nghĩa sống vì Tương lai
• Chủ nghĩa sống vì Tương lai – siêu hình
Tác giả đưa ra một số bình luận đối với cuốn sách Nghịch lý thời gian như cuốn sách này có đầy đủ các tri thức đơn giản và các phân tích về hành động phản ứng rất thú vị và đáng nghiền ngẫm.
“Tại sao những người lớn tuổi lại thoải mái hơn với việc chia sẻ những tâm tư, đi du lịch và tạo ra những thay đổi đáng kinh ngạc trong cuộc đời (giống như việc ly hôn ở tuổi 73)? Bởi vì họ đã biết tương lai của họ không phải là vô hạn. Họ không còn tư tưởng “Tôi sẽ không bao giờ chết” nữa. Quan điểm này cũng đúng với những người được chẩn đoán một căn bệnh hiểm nghèo. Họ bắt đầu lựa chọn những giải pháp nhanh gọn hơn mà không cần suy nghĩ thêm lần thứ hai. Khi bạn nghĩ rằng bạn có rất nhiều thời gian, bạn có xu hướng dành thời gian với rất nhiều người khác nhau. Nếu bạn dự đoán được tương lai của mình còn ngắn ngủi, bạn sẽ đánh giá chất lượng cao hơn số lượng, và dành hầu hết thời gian của mình với những người bạn yêu quý. Tại sao lại phải đợi cho đến khi già nua và bệnh tật để bắt đầu sống trọn vẹn nhất cuộc đời của mình chứ? Tại sao lại bỏ qua những kho báu thật sự mà cuộc đời ban cho bạn?”
Ở mỗi chủ nghĩa thời gian, tác giả đưa ra những đánh giá ưu điểm và khuyết điểm cho từng cách sống, cách tận dụng thời gian của từng kiểu người sống theo các chủ nghĩa thời gian khác nhau. Có một điều thú vị ở phần này, rằng hầu hết chúng ta đều nghe những điều như “ Hãy sống cho hiện tại”, “ Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép” rất nhiều lần đến nỗi nó trở thành chân lý sống của nhiều người, nhiều bạn trẻ. Nhưng nếu chúng ta dành một chút suy ngẫm để lật ngược vấn đề rằng: chúng ta phải tận hưởng mỗi giây phút một, phải tận hưởng mọi thứ? Tiền tiết kiệm ư?
Thôi không quan trọng, phải ăn những món mình thích, phải làm những điều mình thích thôi. Tập thể dục ư? Nhưng mệt lắm, phải đi tận hưởng thời gian bên bạn bè, đi ra quán cafe tâm sự bạn bè không phải vui hơn sao? Những người sống theo chủ nghĩa hiện tại tích cực luôn là những người yêu đời, lạc quan, năng động đó là điều tốt tuy nhiên họ lại quá nuông chiều bản thân mình. Đồng thời, họ cũng thường có cái tôi thái quá, họ không thể kiểm soát được sự bốc đồng, và phản ứng gay gắt nếu có điều gì đó làm họ không hài lòng. Cảm xúc của họ thay đổi rất nhanh.
Tại sao chúng ta nên đề cao tư tưởng sống cho tương lai? Những người có quan điểm hướng về tương lai sẽ dễ trở nên thành công hơn là những người tập trung vào các quan điểm về thời gian sống khác. Họ sống với ít kinh nghiệm thực tế nhưng lại thiên về những định hướng kế hoạch trừu tượng hơn. Họ ưu tiên sự thỏa mãn về lâu về dài hơn là những thành tựu ngay trước mắt. Họ phân tích và thường xuyên quan tâm tới những ảnh hưởng của tương lai đến những hành động trong hiện tại. Có trách nhiệm, hiệu quả, và đáng tin cậy là những từ ngữ mà người đó hay sử dụng. Họ có thể làm việc chăm chỉ, tránh xa những cám dỗ, sự sao nhãng, và lãng phí thời gian để tập trung hoàn thành một mục tiêu. Họ có mục tiêu rõ ràng, sự tập trung cao độ, hầu như không đề cao quá bản thân, và tự kiểm soát cao.
Tuy nhiên, nhóm người này là quá lo lắng nếu như không đúng hạn chót, có hành động quá khích, nghiện công việc, cảm thấy không trọn vẹn khi những mục tiêu của họ không còn làm họ thỏa mãn sau khi đã đạt được chúng rồi, thiếu sự tự nhiên, và có xu hướng kiểm soát các mối quan hệ.
Và còn rất nhiều những quan điểm đa chiều, không sáo rỗng được tác giả đánh giá khách quan chắc chắn sẽ giúp chúng ta có sự cân nhắc khôn ngoan hơn trong việc lựa chọn quan điểm sống, cách quản lý thời gian hiệu quả, phù hợp nhất với mình, biết chọn lọc những điểm tốt, hạn chế các điểm chưa tốt, dần dần hoàn thiện thân chính bản thân bạn.
Phần 3: Ra quyết định sáng suốt
“Bạn đã bao giờ rời khỏi nơi làm việc và trở về nhà nhưng lại không hình dung lại được con đường về nhà? Bạn cũng không thể tìm lại những khoảnh khắc bạn gặp trên quãng đường. Tại sao? Đó là bởi vì bạn đã đi trên con đường đó quá nhiều lần. Tuy nhiên, con đường quen thuộc ấy là một chuỗi những quyết định được đưa ra bởi nhận thức não bộ. Rẽ phải ở đây thay vì rẽ trái, tránh viên đá thứ ba sau góc đó, v.v…”
Có những quyết định chúng ta chẳng cần suy nghĩ, đắn đo, chúng như được lập trình trong não bộ của ta giúp chúng ta tự động lựa chọn khi cần đưa ra quyết định. Tuy nhiên có những quyết định quan trọng hoặc đặc biệt quan trọng khiến chúng ta phải đau đầu, phân vân, bối rối, đầy khó khăn. Để ra được một quyết định đúng đắn cần có một số kiến thức nhất định, dựa vào sự xem xét các mối quan tâm khác nhau, điều này không dễ, đặc biệt nếu như bạn bị giới hạn về thời gian.
“Tại sao? Bởi vì bạn không đủ giàu có để suy nghĩ ở cấp độ cá nhân. Những quyết định khó khăn đa số đều liên quan tới người khác. Nó không phải vấn đề bạn mặc áo xanh hay áo xám nữa. Mà bạn cũng không thể chậm trễ hơn được.Để tồn tại được trong thời đại bây giờ, bạn phải ra quyết định đúng đắn thật nhanh.”
Trong thời đại chúng ta đang sống, mọi thứ không chỉ dừng lại ở chỗ “ Cá lớn nuốt cá bé” mà còn là “ Cá nhanh nuốt cá chậm”. Để đạt đến trình độ ra quyết định này đòi hỏi mỗi cá nhân phải tư duy có hệ thống.
Tác giả đã tìm ra một kỹ thuật giúp chúng ta tiếp cận các vấn đề từ những quan điểm khác nhau, sử dụng phép ẩn dụ tượng trưng về sáu chiếc mũ. Kỹ thuật: Six Thinking Hats (tạm dịch: Sáu chiếc mũ tư duy) của giáo sư Edward de Bono.
Sáu chiếc mũ tượng trưng có sáu màu khác nhau, và mỗi chiếc đều yêu cầu một kiểu phân tích độc nhất. Sáu chiếc mũ ấy cụ thể như sau:
1. Chiếc mũ màu trắng tượng trưng cho thông tin. Chỉ tập trung vào những thông tin có giá trị xác thực.
2. Chiếc mũ màu vàng tượng trưng cho tư duy tích cực. Khi “đội chiếc mũ màu vàng” bạn nên lạc quan như mặt trời.
3. Chiếc mũ màu đỏ tượng trưng cho cảm xúc. Chúng ta đều là con người, cho nên những hành vi của chúng ta không phải chỉ được tạo ra bởi những suy nghĩ thô sơ, và còn bởi những phản ứng cảm xúc, sự xét đoán, nghi ngờ và trực giác.
4. Chiếc mũ màu đen tượng trưng cho sự phán xét. Diễn giải này nghe có vẻ như là một điềm xấu, nhưng thật sự không phải như vậy. Mỗi một quyết định lớn đều có những điểm yếu riêng.
5. Chiếc mũ màu xanh lá tượng trưng cho sáng tạo. Đó là chiếc mũ nơi mà những người có quan điểm sống vì tương lai có thể phát triển và thành công.
6. Chiếc mũ màu xanh dương tượng trưng cho tầm nhìn. Đây là nơi bạn sẽ nhìn lại toàn bộ quá trình nhận thức của mình.
Tác giả cũng đưa ra ba phương pháp vận dụng khác nhau sáu chiếc mũ tư duyTM vào thực tế như thế nào cho phù hợp.
Sáu chiếc mũ tư duyTM là phương pháp giải quyết vấn đề đa chiều và công cụ giúp ra quyết định cực kì hiệu quả. Sử dụng nó bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian bởi nó cung cấp cho bạn một hệ tư duy song song, thay vì kiểu đề xuất ý tưởng rối rắm. Tư duy về một vấn đề thông qua những “chiếc mũ” này sẽ mang đến cho bạn cách nhìn đa chiều đầy đủ để đưa ra một quyết định thông minh sáng suốt, thay vì những quyết định tồi hay chỉ ở mức chấp nhận được.
Khi đọc phần này, bạn sẽ mở ra cho chính mình nhiều chiều hướng để đưa ra những quyết định cẩn trọng, phù hợp nhất cho chính mình. Tuy nhiên hãy lưu ý rằng, trước mỗi quyết định quan trọng nào đó, bạn có thể tham khảo ý kiến của người khác nhưng đừng để những ý kiến đó định hướng cho hành động của bạn, bạn đã có công cụ sáu chiếc mũ tư duy rồi cơ mà, nên hãy chậm lại nhiều chút để thông hiểu quy tắc này và vận dụng nó một cách thông minh để cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.
Lời kết
Tư duy phản biện là một sách nói đáng nghe và suy ngẫm, như một chiếc chìa khóa thức tỉnh và khai thông trí óc sách nói giúp bạn ra khỏi lối mòn trong suy nghĩ, rèn luyện lối tư duy, phân tích tốt hơn, quan sát các vấn đề toàn diện và sâu sắc hơn, tránh khỏi các suy nghĩ chủ quan, lệch lạc. Mình biết nhiều người sẽ cảm thấy chán khi đọc những cuốn sách lý thuyết về tâm lý có phần khô khan nhưng khi nghe sách nói ”Tư duy phản biện” các bạn sẽ thích thú và có chút ngạc nhiên vì những góc độ mới mẻ, sâu sắc của cuốn sách này, chắc hẳn rằng sẽ có những chiêm nghiệm thú vị riêng cho chính mình.