Rừng Na Uy

Tác giả Haruki Murakami
Thể loại TTVH - Thế Giới
Chủ đề
Số lượt xem 174
Tổng thời gian nghe 53 giờ 25 phút
Tổng thời lượng sách nói 10 giờ 31 phút
RỪNG NA UY – KHU RỪNG CỦA TUỔI TRẺ

HARUKI MURAKAMI – MƠ TRONG CÕI TẠM

Haruki Murakami sinh năm 1949 tại Kyoto nhưng lớn lên tại Nishinomiya và Ashiya, Nhật Bản. Việc chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đấng sinh thành đã mang đến cho tác giả niềm đam mê văn học và âm nhạc phương Tây, những năm tháng trưởng thành của ông gắn liền với tên tuổi các nhà văn Mỹ xuất chúng như Kurt Vonnegut và Richard Brautigan. Để rồi từ đấy, ở những trang viết của ông, ta nhìn thấy một nét hiện đại đầy phóng khoáng, căng tràn của thứ văn hóa Tây phương trên cái nền của xứ sở hoa anh đào. Murakami Haruki là người có khát vọng cải biến văn học Nhật Bản nói riêng và văn học thế giới nói chung. Tác phẩm của ông là sự xóa nhòa ranh giới giữa cái tầm thường và cái thanh cao, giải quyết hài hòa giữa tính chất bình dân và tính chất bác học trong sáng tạo nghệ thuật. Với những kĩ thuật điêu luyện và tài tình, Murakami đã xoay chuyển hiện thực cụ thể thành những hiện thực huyền ảo, dẫn dụ người đọc vào những mê cung của nhận thức, từ đó khám phá ra bản thể cũng như xã hội. Dù cho đôi khi những tác phẩm của ông bị gắn cho cái mác ngoại lai, đối chọi với dòng văn học cổ điển thống trị văn đàn Nhật song theo tôi, chính những giao thoa của văn hóa Đông – Tây cùng những tự sự từ chính cuộc đời mình đã khiến cho ngòi bút của Haruki Murakami trở nên độc nhất vô nhị, một thứ văn chương hư ảo nơi đời thực cũng là mộng ảo và nơi mộng ảo trở thành đời thực. Như chính ông đã từng nói: “Đến năm 29 tuổi tôi mới bắt đầu viết. Trước thời gian đó tôi chẳng có gì để viết. Đôi khi bạn phải sống cuộc đời của chính mình cho hết sức hết lòng, hết mực chân thành, sau đó bạn mới tìm thấy một cái gì đó của riêng mình để viết.” 

Yếu tố huyền ảo đã trở thành một thành tố quan trọng trong tác phẩm của Murakami Haruki. Nó tạo lập những thế giới phi lý nhưng đồng thời lại là phản quang của xã hội, người ta bước vào để tìm lối đi ra, mặc khải và minh triết cho những thiếu hụt về bản thể người. Dưới những trang viết của Haruki Murakami, ta thấy con người được lột trần trong dòng chảy của suy nghĩ: những vụn vỡ, những tổn thương, những gì bản năng nhất đều được bộc bạch một cách sắc lạnh và bình thản như nó vốn là. Nhưng cũng dưới lăng kính của Haruki Murakami, con người cũng bị đè nén và dồn ép đến tận đường cùng, một dòng nước đục ngầu và dữ dội ẩn dưới mặt hồ tĩnh lặng. Tựa như muốn mở tung lòng mình để người khác nhìn vào nhưng đến khi được người kia nhìn nhận, thì trong đấy lại không có thứ gì tồn tại, một lớp vỏ rỗng. Những vấn đề bản năng nhất của loài người được ông phơi bày ra, để nhân vật đối mặt với hết thảy những hỉ nộ ái ố của đời người và để rồi chấp nhận chúng là một phần của đời mình chứ không tìm cách đối nghịch lại với nó. 

RỪNG NA UY – KHU RỪNG CỦA TUỔI TRẺ

Mở đầu chuyện là một hình ảnh hồi tưởng của nhân vật chính, Toru Wantanabe. Cậu và Naoko (người yêu của cậu bạn thân đã mất) đang đi trên đồng cỏ, nắm tay nhau trò chuyện và cố để không bị rơi xuống một cái “giếng đồng”(cái mà rất có thể chỉ là hình ảnh thêu dệt trong tâm chí của nàng mà thôi). Đoạn này để lại trong tôi một ấn tượng về cuốn sách rằng nó khá thơ mộng và đẹp đẽ. Đúng là mấy cảnh mà tôi thường thấy trong phim tình cảm lãng mạn.

Về tổng thể thì cốt truyện tuy không quá phức tạp nhưng bù lại tuyến nhân vật lại vô cùng sâu sắc và ấn tượng. Đọc không hề bị chán một lúc nào, và giường như tôi đắm chìm trong thế giới ấy mỗi khi cầm sách lên vậy. Naoko thì dịu dàng êm ái, Midori lại nhí nhảnh, sống động, còn Toru thì... rõ ràng là nhân vật chính mà mình chẳng biết dùng tính từ gì để miêu tả.

Chết

Mở đầu nhẹ nhàng tình cảm thế. Nhưng. Không. Đó chỉ là sự khởi đầu cho hàng tá thứ biến cố đang trực chờ. Phần tiếp của truyện xuyên suốt là những cái chết được dần gợi mở. Tuyến nhân vật dường như chia rõ làm 2. Những người đã chết và những người còn lại trên cuộc đời. Cả 2 đều mang những ý nghĩa riêng. Những người còn sống thì dường như đang san sẻ và mang theo 1 phần cái chết của những người đã khuất kia mà sống tiếp. Mới đầu tôi tưởng như tác giả đã làm ra quá nhiều cái chết “đại trà” nhưng rồi càng đọc tôi càng hiểu nó không hề “đại trà”’ tí nào bởi “cái chết vẫn luôn tồn tại ở đó và cái chết không còn là sự đối nghịch của sự sống mà là một phần của sự sống. Ta sống như để đang nuôi dưỡng sự chết vậy” (khúc này trích trong sách nhưng chắc không đúng trăm phần trăm, tôi nhớ gì viết lấy chứ lười không đem sách ra chép lại). Mấy điều này làm tôi nghĩ ngợi nhiều về giá trị cuộc đời mình. Rằng mình cũng đang sống thế nào để nuôi dưỡng sự chết (già) của mình.

Yêu

Đoạn sống chết bên trên có thể làm bạn hơi đau đầu, vì thế ta sẽ cùng đi vào chủ đề tình yêu trong truyện (chủ đề lẽ ra phải được ưu tiên ban đầu). Nút thắt của câu chuyện nói về một tình huống khá điển hình là một mối tình tay ba của nhân vật Toru, Naoko và Midori. Tác giả đã đặt Toru  phải đứng trước một tình thế khó khăn( một tình thế mà tôi mong mình sẽ không bao giờ phải gặp),là  lựa chọn ai đây giữa hai cô gái, hoặc tương lai, hoặc quá khứ. Từ đây câu chuyện đã cuốn hút mình hơn vì sự tò mò và trăn trở rằng đứng trước tình thế này một chàng trai sẽ phải quyết định lựa chọn thế nào.

Tình yêu thật là rắc rối, Toru “biết giả định thức tiếng anh, cậu hiểu môn lượng giác, cậu đọc được Các Mác, mà cậu không biết câu trả lời cho một việc đơn giản đến thế ư?”

Tình dục

Một điểm nữa không thể không nhắc đến trong truyện là những cảnh làm tình, được miêu tả đến trần trụi mà nhiều người cho là thô tục. Mình có hơi cau mày một chút khi đọc đến những cảnh đầu tiên. Không phải vì gì (mình cũng qua 18 lâu lắm rồi) chỉ là mình chưa từng đọc sách gì lại nói về những cảnh tình dục hơn nữa lại còn thẳng thắn và trần trụi đến vậy. Mượn lời trong phần phụ lục của cuốn sách mình xin trích ra một đoạn sau để nói về suy nghĩ tương đồng với suy nghĩ của mình sau khi đã quen với mấy cảnh tình dục trong truyện:

“... E ngại Rừng Na-uy là một tác phẩm thấp cấp, chắc chắn xuất phát từ một lối suy nghĩ không thành thật, bởi ở thời đại này, tránh né một cách phiến diện những việc vẫn thường làm mà không tiện nói ra, liệu có phải giả dối không?”

Tuy vậy điểm mình không thích là việc Toru ngủ với một cô gái một cách thật “dễ dãi”, và đến tận cuối truyện rồi mà tác giả lại khiến mình phải khó chịu thêm lần cuối nữa. Có thể mình không hiểu được cái ý nghĩa sâu sắc về tình dục của tác giả, nhưng dù sao đây chỉ là ý kiến cá nhân.

Đôi điều về nhân vật sống trong truyện

Dường như những nhân vật trong Rừng Nauy đều là những người bất toàn, họ đều méo mó cả. Mấy nhân vật chính thì rất cô độc trong cái thế giới bình thường, họ chỉ có 1,2 người bạn duy nhất, và cũng chỉ nhờ vào đó để có thể tiếp cận được thế giới bình thường. Mỗi người đều chịu những tổn thương trong quá khứ và phải sống tiếp với vết sẹo của nó trong người. Có người thì để nó bình phục và vượt qua được nhưng có người lại khiến nó lở loét ra và thống khổ vì nó.

Mấy nhân vật trong cái bệnh viện mà Naoko điều trị mới gọi là “buồn cười”. Bệnh nhân thì lại có vẻ là những người bình thường nhất, còn bác sĩ, hoặc cán bộ thì trông như người có vấn đề ở não vậy. Họ có thể đổi chỗ cho nhau thì hợp lý hơn.

“Điều làm những bệnh nhân ở đây trông bình thường là vì họ biết đến sự méo mó của mình”
(câu này chắc cũng do trí nhớ của mình chứ không được chép chính xác)

Mình cảm nhận đây là bài học khá sâu sắc mà truyện truyền tải được, vì bên ngoài cái bệnh viện ấy, mọi người trông như thể bình thường kia thực chất cũng là những người méo mó cả, chỉ khác biệt là họ không biết đến cái méo mó của mình hoặc giả như mình thật bình thường mà thôi.

Cảnh báo Spoil

Nếu bạn chưa đọc cuốn sách này thì có thể dừng đọc bài viết này bây giờ vì ở đoạn này mình sẽ tiết lộ nội dung của truyện (bạn có thể bắt đầu đọc sách sau đó quay lại đây nhé).

Nếu bạn đã đọc nó rồi thì hãy đọc tiếp nhé.

Đầu tiên mình đã có ý định dừng đoạn review ở đoạn trên nhưng rồi vì cảm thấy khá bí bách nên đành quyết định viết nốt nó ra. Đoạn này sẽ nói về 3 chi tiết khiến mình sốc nhất trong truyện.

  • Chi tiết đầu làm mình sốc khi đọc đến đoạn làm tình giữa Reiko và cô học trò 13 tuổi( có lẽ là 12 tuổi hoặc chính xác là 14 gì đó). Chuyện này hơi đi quá so với mức mình tưởng tượng. Ban đầu thì mình chẳng hiểu sao Reiko lại cứ liên tục kể xấu về một cô bé với nhiều ưu điểm như thế, xinh đẹp, thông minh,... Nhưng khi mọi chuyện ngã ngũ thì mình chỉ biết @.@. Có đây lẽ là 1 trong những chi tiết gây ám ảnh và khiến nhiều người khó chịu nhất khi đọc. Nhiều người sẽ thấy nó có hơi hướng quá thô bỉ, tục tĩu, và cả biến thái nữa( thật không vui khi phải gõ ấy chữ này) nhưng bản thân mình nghĩ đôi khi nó làm cho câu chuyện thật hơn. Kiểu như ở đâu đó vẫn có mấy vụ biến thái như vậy chỉ là bạn không biết đến thôi.
  • Chi tiết thứ 2 khiến mình khó chịu như đã nói trong đoạn Tình dục, đó là việc Toru và Reiko ngủ với nhau, thậm chí nó sau cái tang lễ hai người tự tổ chức cho Naoko nữa chứ. Đoạn này thì mình chịu không hiểu nổi. Một hình thức giảm stress chăng!
  • Và đến với chi tiết cuối cùng, đã tiết lộ 1 phần trong chi tiết 2. Mình không còn quá xa lạ với cái chết trong Rừng Nauy, và nếu ai đọc rồi thì cũng sẽ quen như mình cả. Những cái chết dường như là 1 phần gì đó chỉ luôn trực chờ để xuất hiện thôi.  Nhưng rồi khi vừa lướt mắt qua chương thứ 11 tôi đã trợn trừng mắt vì sốc trước cái chết đột ngột của Naoko. Thực sự quá đột ngột.

Và như một thước phim quay chậm của mấy kẻ hay hoài niệm, khung cảnh đồng cỏ, Toru và Naoko dắt tay nhau và cố canh cho nhau không rơi xuống cái “ giếng đồng” lại hiện lên trong đầu tôi. Nó cứ tua đi tua lại vụt qua rồi biến mất trong đầu tôi. Tôi đặt cuốn sách xuống và để cho dòng suy nghĩ tuôn chảy. Nó vừa ào ạt như dòng nước cũng vừa quảnh quất như cơn gió quẩn trước trận giông cuốn bụi lên mù mịt vừa giật hướng này lại đổi hướng và luẩn quẩn hướng khác. Có lẽ tôi đã hơi quá nhập vai vào nhân vật chính khi đọc. Dĩ nhiên chả cần nói đến đây bạn cũng biết tôi buồn thế nào.

Không hiểu sao tác giả lại phải khiến cho Naoko phải chết( hoặc ít nhất là chết đột ngột đến vậy). Cái chết có vẻ đến gần ngay sao khi Toru chính thức nhận ra mình đã yêu Midori và vẫn còn yêu Naoko. Biết làm sao được, như đã nói, cái chết luôn trực trờ mà.

Chẳng lẽ tác giả đã nhẹ tay với Toru và không muốn anh phải khó xử day dứt nữa sao. Làm vậy giúp Toru có thể nói với Midori một cách nhẹ nhàng “cô ấy đã chết, chuyện chúng ta thế là ổn”( lại 1 sự hồi tưởng sai lệch về câu thoại của mình, nhưng đại ý nó vậy” hay sao.

Đọc hết chuyện mình cảm thấy có chút gì đó trống rỗng. Cái kết nó quá “nhẹ nhàng” so với lúc đọc giữa truyện nên mình cảm nhận vậy( hy vọng bạn hiểu ý từ nhẹ nhàng của mình). Và trong đầu mình tự nhiên lại nghĩ ra một cái kết khác.

Nếu Naoko không chết có lẽ sẽ đến một lúc nào đó Toru phải đối diện trực tiếp với Naoko và thành thực về việc cậu đã yêu Midori từ lúc nào không biết. Và Naoko sẽ cười rồi đáp: “ Nếu mình là cậu mình cũng sẽ yêu Midori thôi, cô ấy đáng yêu vậy mà. Đừng tự dằn vặt mình nữa. Cậu còn nhớ 2 điều mà mình bắt cậu hứa với mình lúc ở đồng cỏ không. Hãy đến thăm mình và đừng bao giờ quên mình đã từng tồn tại nhé.”

 

0 review for Rừng Na Uy

Thêm một bài đánh giá

1 2 3 4 5