Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ
Tác giả | Trác Nhã |
Thể loại | Kĩ Năng Quan Trọng |
Chủ đề | Giao tiếp Kỹ năng mềm |
Số lượt xem | 1628 |
Tổng thời gian nghe | 464 giờ 58 phút |
Tổng thời lượng sách nói | 08 giờ 36 phút |
Học giả người Mỹ Dale Carnegie từng nói: “Trong xã hội ngày nay, sự thành công của một người, chỉ một phần là do tri thức chuyên môn, còn chủ yếu được quyết định bởi nghệ thuật hùng biện”. Trong cuộc đời mỗi con người, bất kể là việc gì: xin việc, hôn nhân, kinh doanh, đàm phán,… tất cả đều cần đến kĩ năng giao tiếp. Khéo ăn nói, bạn sẽ có nhiều cơ hội để đạt được thành công! Không khéo ăn nói, dù có năng lực đấy nhưng rất có thể bạn sẽ thất bại ngay từ vòng sơ tuyển! Vậy làm sao để nói năng lưu loát, nói hay, nói đủ, nói đúng trọng tâm? Trong những trường hợp khác nhau và với những người khác nhau thì nói sao cho đúng? Sách nói Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ của tác giả Trác Nhã sẽ đưa ra những phương pháp và gợi ý cụ thể, nhất định sẽ giúp ích cho bạn trong vấn đề giao tiếp này!
Nói chuyện là một kĩ năng, cũng là một nghệ thuật. Trong giao tiếp hàng ngày, cho dù là nói ít nhưng chứa nhiều ý nghĩa, nói ngắn mà súc tích, chỉ cần vận dụng thuần thục kĩ năng giao tiếp thì bạn có thể dễ dàng nhận được sự tín nhiệm và hỗ trợ từ người khác. Học giao tiếp không bao giờ là muộn cả, hãy bắt đầu ngay từ bây giờ. Cuốn sách sẽ chỉ cho bạn cần phải giao tiếp, nói chuyện như thế nào để đạt được thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống!
Phần 1: Dám nói chuyện, nắm vững kĩ năng giao tiếp.
Bất kì ai, đặc biệt là những người trẻ tuổi khi mới bước chân vào xã hội đều cảm thấy mình nói chuyện không khéo và không cẩn thận, chỉ sợ mình nói sai, làm phật lòng người khác. Vì vậy mà ta e dè, lo sợ, từ đó bỏ lỡ nhiều cơ hội thăng tiến trong cuộc sống. Thực tế không ai sinh ra đã khéo ăn nói, những người khéo ăn nói phải trải qua rèn luyện mới thành. Vì vậy mà rèn luyện khả năng giao tiếp nên được bắt đầu càng sớm càng tốt. Muốn nói chuyện hay cần phải rèn luyện, cần chủ động nói chuyện với mọi người. Bạn sẽ có được kinh nghiệm trong quá trình giao tiếp, nắm được nghệ thuật chuyện trò. Khi xã hội phát triển, môi trường thay đổi, nội dung các cuộc trò chuyện cũng có những đổi thay. Do đó, để ăn nói khéo léo, con người phải thường xuyên luyện tập. Đừng bao giờ bằng lòng với những gì mình có. Bạn có thể làm như tổng thống Mỹ Lincoln – đứng trước gương luyện nói mỗi ngày, cũng có thể làm như nữ ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, tổ chức các buổi thảo luận; hay tự kiếm cho mình những cơ hội được nói chuyện như Sam Levenson,…
- “Bắt bệnh” để làm chủ cuộc giao tiếp
Khi nói chuyện với người khác hay trong các hoạt động xã giao, chúng ta đều muốn làm cho người khác vui vẻ. Nắm được nhiều kĩ năng giao tiếp có thể giúp bạn trở thành trung tâm trong các cuộc trò chuyện.
Khi gặp người lạ, việc đầu tiên là phải giới thiệu về mình. Tự giới thiệu về mình và biết cách giới thiệu lịch sự, ấn tượng, bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công trong công việc. Khi giới thiệu về mình, chúng ta cần chú ý một vài điểm sau:
1. Khắc phục tâm lí nhút nhát.
2. Nắm chắc thời cơ, thái độ chân thành: giới thiệu khi đối phương có thời gian rảnh rỗi, tâm trạng tốt và có hứng thú. Như vậy, người nghe mới không có cảm giác bị làm phiền!
3. Nói to, rõ ràng tên của mình – mỗi cái tên có một ý nghĩa riêng, nếu nói rõ ý nghĩa sẽ rất hiệu quả.
- Giao tiếp thành công bắt đầu từ việc lắng nghe
Một điều quan trọng để có thể giao tiếp thành công mà đa phần chúng ta thường bỏ qua chính là sự lắng nghe. Thực tế chỉ ra rằng, lắng nghe chính là cách giao tiếp hiệu quả nhất không thể thiếu trong các cuộc trò chuyện.
Khi lắng nghe, bạn cũng cần biết góp lời đúng lúc, đúng chỗ để người đối diện tiếp tục bày tỏ ý kiến. Bạn có thể giải tỏa tâm trạng của họ, cũng có thể tổng hợp lại nội dung họ vừa nói. Điều này khiến họ cảm nhận được sự chân thành của bạn, cũng có thể chỉnh ngay khi bạn hiểu sai.
Phần 2: Kĩ năng giao tiếp với mỗi hoàn cảnh và đối tượng khác nhau.
- Kĩ năng phỏng vấn xin việc
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, cùng trình độ đấy, năng lực như nhau đấy nhưng thực tế cho thấy những người khéo ăn nói, có chủ kiến sẽ được trọng dụng hơn những người không khéo ăn nói. Biết cách ăn nói khéo léo sẽ được đồng nghiệp quý mến, được lãnh đạo ưu ái. Đặc biệt, khi phỏng vấn xin việc, lời bạn nói ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc bạn có thể mở được cánh cổng của công ty hay không.
Khi phỏng vấn, có một vài điều bạn cần ghi nhớ. Đó là:
1. Trước tiên, hãy giới thiệu bản thân một cách khéo léo. Một lời giới thiệu hay sẽ để lại một ấn tượng sâu sắc. Làm được như vậy, coi như bạn đã thành công một nửa.
2. Hỏi thăm lễ phép, chủ đề rõ ràng.
3. Thực tế chiến thắng hùng biện: bạn không nên quá khoa trương về kinh nghiệm làm việc. Hãy chứng minh năng lực bằng thành tích và ví dụ thực tế, như vậy nhà tuyển dụng mới thấy rõ năng lực của bạn.
4. Chừa đường lui cho mình: không nên dùng câu khẳng định: “Tôi rất thành thạo nghiệp vụ này!”. Nếu bị hỏi vặn lại, bạn sẽ trả lời như thế nào? Chắc chắn chúng ta sẽ không tránh khỏi lúng túng.
5. Cần chú ý một vài điều cấm kị khi giới thiệu trong phỏng vấn xin việc:
- Cố ý khoe khoang
- Tỏ ra đắc ý, kiêu căng
- Ngôn ngữ sáo rỗng
Phỏng vấn là để tiếp thị bản thân. Do đó, nỗ lực thể hiện mình là có thể hiểu được. Thế nhưng khi giới thiệu nhất định phải khách quan, dùng ngôn ngữ thực tế đánh giá bản thân, như vậy bạn mới có cơ hội có được công việc bạn mong muốn.
- Cách giao tiếp với lãnh đạo để giành cơ hội phát triển trong nghề nghiệp
Trong công việc, lãnh đạo là người chỉ huy, cũng là người nắm quyền. Giao tiếp khéo léo với lãnh đạo là điều kiện tiền đề giúp bạn thuận lợi trong công việc. Nó yêu cầu bạn phải nắm vững kĩ năng ngôn ngữ:
- Tập trung tinh thần nghe hết nội dung lãnh đạo nói, không nên quá căng thẳng.
- Vô tư cống hiến ý tưởng, suy nghĩ.
- Luôn giữ thái độ chừng mực, lễ phép, khiêm tốn.
- Chủ động chào hỏi lãnh đạo.
- Thích ứng ngôn ngữ lãnh đạo: tìm hiểu tính cách, sở thích, thói quen của họ.
- Chọn cơ hội thích hợp để trò chuyện, báo cáo với lãnh đạo.
- Chuẩn bị kĩ nội dung giao tiếp.
Hãy chủ động giao tiếp và báo cáo với lãnh đạo! Việc này sẽ giúp họ nắm rõ được công việc bạn đang làm, hiểu bạn và tạo điều kiện giúp đỡ công việc của bạn.
- Khéo ăn nói trong nghệ thuật bán hàng
Trong thời đại kinh tế, thương trường chính là chiến trường. Điều bạn cần có là trí tuệ, năng lực và phong độ, tất nhiên là phải có tài ăn nói khéo léo nữa. Đối với những người làm công việc tiếp thị, ngoài việc sử dụng sự đặc sắc của sản phẩm để thu hút khách hàng thì chúng ta cũng cần sử dụng ngôn ngữ để thuyết phục họ. Khi giao tiếp với khách hàng, ngôn ngữ phải thân thiện, tạo cho họ cảm giác hài lòng.
Là một nhân viên bán hàng, bị khách hàng từ chối là chuyện rất bình thường. Muốn trở thành một nhân viên bán hàng ưu tú, bạn không thể rút lui trong trường hợp này. Khi từ chối, khách hàng thường nói: “Để tôi suy nghĩ thêm!”. Lợi dụng chính câu nói này, hãy phát huy năng lực, nỗ lực để đạt được thành công trong việc bán hàng bằng các câu nói tương tự như: “Tôi rất vui khi nghe anh nói phải suy nghĩ thêm, anh vẫn rất hứng thú với sản phẩm của chúng tôi. Vậy để tôi nói chi tiết hơn giúp anh cân nhắc…”. Bạn có thể thu hút khách hàng bằng việc nêu ra lợi ích của sản phẩm, hiệu ứng người nổi tiếng, ngôi sao – những người dùng sản phẩm có hiệu quả,… Là nhân viên bán hàng, hãy đứng trên lập trường khách hàng để tự trả lời các câu hỏi. Và cũng cần nhớ rằng, bạn chỉ có 30 giây để mở đầu. Lời mở đầu hay sẽ khiến họ phản ứng tích cực.
Trong quá trình bán hàng, khi tiếp thị sản phẩm, đầu tiên phải khiến khách hàng thích chúng ta, như thế mới có thể giao lưu sâu hơn, đạt được mục đích như mong muốn. Vậy phải làm thế nào? Yếu tố hài hước luôn là chìa khóa vạn năng cho hầu hết các vấn đề. Hãy ăn nói nhẹ nhàng nhưng không kém phần hài hước. Bản thân lời nói hài hước chính là ngôn ngữ quảng cáo mang tính nghệ thuật, nếu biết cách dùng sẽ để lại ấn tượng sâu sắc cho mọi người – đó chính là một cách tiếp thị hiệu quả. Bên cạnh đó, ngôn ngữ cần sinh động, hình tượng. Tuy nhiên, nên tránh dùng từ “nhất”, “rẻ”,… Có câu “Tiền nào của nấy”, giá cả và chất lượng vẫn thường đi đôi với nhau. Bên cạnh đó, khen ngợi và quan tâm khách hàng cụ thể, đúng mức cũng là một cách hay để bạn đạt được thuận lợi trong công việc.
Phần 3: Nói năng khéo léo trong những tình huống khó xử
- Nhờ sự giúp đỡ
Không ai có thể tồn tại độc lập trong xã hội. Có những việc một mình bạn không thể làm được mà cần sự giúp đỡ của người khác. Do đó, chúng ta không thể tránh việc mở lời xin trợ giúp, điều này đòi hỏi ta cần biết ăn nói. Muốn người khác vui vẻ giúp đỡ mình, bạn phải làm thế nào? Trước tiên, hãy nắm được tính cách của người mà bạn định nhờ giúp đỡ, thăm dò qua lời nói, sắc mặt, điều này giúp bạn đoán biết thái độ, tâm lí đối phương. Khi trình bày cái khó của mình, phải rõ ràng, mạch lạc, không quanh co hoặc nói mơ hồ, chung chung. Với người cứng nhắc, lạnh nhạt, hãy nhiệt tình, cố hết sức hiểu họ. Với người ngạo mạn, kiêu căng, hãy khiến họ công nhận bạn. Với người ích kỉ, dùng lợi ích làm động lực khiến họ chấp nhận,… Tùy mỗi kiểu người mà chúng ta có thái độ và cách ứng xử khác nhau. Hãy kiên trì! Bạn sẽ đạt được mục đích như mong muốn!
- Từ chối
Trong mọi mối quan hệ đều cần có qua có lại. Có giúp người lần này, lần sau khi ta có việc nhờ đến họ, họ mới sẵn lòng giúp đỡ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chúng ta không thể tùy tiện đồng ý với những yêu cầu mình không thể làm được. Vì vậy, ta cần học kĩ năng từ chối để không làm mất lòng người khác. Khi từ chối, hãy giữ một thái độ chân thành, tôn trọng đối phương, nói rõ cái khó của mình để họ hiểu và thông cảm. Đặc biệt, trong kinh doanh, hãy để họ thấy rằng, bạn không thể đáp ứng yêu cầu của họ lúc này nhưng lần sau vẫn còn cơ hội hợp tác. Có nhiều cách để từ chối một ai đó: thoái thác, giữ im lặng, kéo dài thời gian, những lời nói khéo léo mà không làm mếch lòng người khác,… Con người không thể tồn tại ngoài các mối quan hệ xã hội. Có lúc sẽ có những chuyện khiến bản thân cảm thấy áp lực và không muốn tiếp nhận. Khi đó, từ chối rất quan trọng. Nếu biết cách từ chối, ta có thể thoát khỏi những tình huống rắc rối không cần thiết. Bị từ chối đều khiến mọi người cảm thấy không vui vẻ. Vì thế, nắm rõ các kĩ năng cần thiết là một giải pháp tối ưu nhất để người bị từ chối không cảm thấy bối rối hoặc tức giận.
Từ chối là một môn học rất khó trong giao tiếp xã hội. Con người phải trải nghiệm nhiều trong thực tế mới có thể khéo léo vận dụng nghệ thuật này.
- Phê bình
Trong cuộc sống và cả trong công việc, sẽ có những lúc chúng ta phải góp ý, thậm chí phê bình ai đó. Nhưng hãy làm sao để lời góp ý ấy dễ nghe, khiến đối phương vui vẻ chấp nhận. Để làm được điều này, bạn cũng cần phải có kĩ năng. Khi bị chỉ trích, mọi người đều cảm thấy không thoải mái, cho nên, hãy nói làm sao để đối phương không cảm thấy khó chịu. Việc bạn cần làm là tìm một thời cơ thích hợp, có thể nói thật lòng hoặc góp ý nhẹ nhàng, đặc biệt không nên so sánh, giúp họ tự ý thức được mình sai ở đâu. Miễn sao vẫn giải quyết tốt vấn đề mà không làm tổn hại đến lòng tự trọng của họ. Khi phê bình cũng cần chú ý đến hoàn cảnh cụ thể của đối tượng, tùy vào từng nghề nghiệp, độ tuổi, cấp bậc, trình độ mà chúng ta có cách phê bình khác nhau. Phê bình chỉ đạt được hiệu quả nhất khi chúng ta biết linh hoạt vận dụng, phê bình đúng cách, đúng lúc, lúc người sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất, còn nếu không chỉ có tác dụng ngược lại mà thôi.
Lời kết:
Cho dù có nói bất cứ điều gì đi chăng nữa, cho dù bạn có nghe cả trăm vạn sách nói về giao tiếp đi chăng nữa, nếu bạn không vận dụng vào thực tế thì cũng sẽ chẳng có tác dụng gì cả. Hãy học giao tiếp ngay từ hôm nay, trước khi quá muộn. Đương nhiên, nghệ thuật giao tiếp là một môn học vấn thâm sâu, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng tích lũy kinh nghiệm, tự nâng cao năng lực và hoàn thiện bản thân trong cuộc sống và trong cả công việc. Không chỉ có những ví dụ kể trên, sách nói còn có rất nhiều tips hay trong nghệ thuật giao tiếp từ kinh doanh, đàm phán, diễn thuyết cho đến tình yêu đang chờ bạn đọc khám phá. Mong rằng Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ sẽ giúp ích cho quý độc giả!