Kẻ Trộm Sách

Tác giả Markus Zusak
Thể loại TTVH - Thế Giới
Chủ đề Tiểu thuyết
Số lượt xem 31
Tổng thời gian nghe 24 giờ 40 phút
Tổng thời lượng sách nói 13 giờ 14 phút
Kẻ trộm sách là câu chuyện xoay quanh cô bé Liesel, người được nhận làm con nuôi bởi gia đình Hubermann ở phố Thiên Đàng thuộc thành phố Munich, nước Đức. Ở con phố nghèo nàn nhất Munich này, Thần Chết đã kể lại một câu chuyện về nước Đức và cuộc sống người dân Đức trong thời kỳ đen tối nhất dưới góc nhìn của cô bé Liesel. Thế nhưng đây lại không phải là một câu chuyện phủ đầy bóng tối. Nó đan xen cả những gam màu đẹp đẽ của sách, tình người và tình yêu. Đặc biệt là tình yêu.

Với bất cứ ai yêu sách, chắc hẳn đều đã từng nghe đến quyển Kẻ trộm sách của Markus Zusak. Cuốn sách viết về một đề tài khá quen thuộc, cuộc thế chiến thứ hai, vậy mà tác giả vẫn khiến người đọc bất ngờ vì cốt truyện độc đáo và cách tác giả chọn nhân vật kể chuyện vô cùng đặc biệt: Thần chết. Nhưng Thần chết ở đây không hề đáng sợ. Ông chỉ đơn giản đứng quan sát và thấu hiểu hết mọi sự việc xung quanh các nhân vật chính của chúng ta, một điều không ngạc nhiên với thời kỳ tràn đầy chết chóc ấy: Thế chiến thứ 2....

Kẻ trộm sách là câu chuyện xoay quanh cô bé Liesel, người được nhận làm con nuôi bởi gia đình Hubermann ở phố Thiên Đàng thuộc thành phố Munich, nước Đức. Ở con phố nghèo nàn nhất Munich này, Thần Chết đã kể lại một câu chuyện về nước Đức và cuộc sống người dân Đức trong thời kỳ đen tối nhất dưới góc nhìn của cô bé Liesel. Thế nhưng đây lại không phải là một câu chuyện phủ đầy bóng tối. Nó đan xen cả những gam màu đẹp đẽ của sách, tình người và tình yêu. Đặc biệt là tình yêu.

Câu chuyện về tình yêu

Kẻ trộm sách là một câu chuyện về tình yêu. Dù lấy bối cảnh là cuộc chiến tranh thứ hai khốc liệt nhưng dường như điều đó chỉ làm nổi bật thêm tình yêu được khắc họa. Đó là tình yêu gia đình được bộc lộ qua gia đình nuôi của cô bé Liesel. Vợ chồng Hubermann yêu thương Liesel như con ruột tuy cách thể hiện của hai người hoàn toàn trái ngược nhau. Bà Hubermann, thường xuyên chửi cả chồng lẫn con là “Đồ con lợn”, “Đồ lỗ đít”, sẵn sàng chửi nhau với người hàng xóm và chửi cả các vị khách hàng giặt ủi của bà hóa ra lại là một người có tấm lòng tràn đầy yêu thương. Bà luôn ở bên cạnh Liesel, yêu thương cô những lúc cô tổn thương nhất và không hề để cô thiếu thốn gì ngay cả trong lúc cuộc chiến trở nên khó khăn. Bố Liesel, trái ngược lại, là một người thể hiện tình yêu của mình rất rõ với Liesel.

“Khi ông bật đèn sáng lên trong gian phòng rửa nhỏ xíu và thảm hại vào đêm hôm đó, Liesel quan sát nét lạ lùng trong đôi mắt của người cha nuôi. Chúng được làm từ lòng tốt, và bằng bạc. Như thứ bạc mềm, đang tan chảy vậy”.

Ông luôn ở đó những đêm Liesel gặp ác mộng về cái chết của người em trai, luôn ở đó để dạy cô những lớp học đọc vào ba giờ sáng, luôn ở đó để quấn những mẩu thuốc lá ông yêu thích rồi đổi chúng lấy những quyển sách cho Liesel. Chính cô cũng yêu thương ba nuôi của cô vô cùng.

Gia đình nhà Hubermann còn đặc biệt ở chỗ có một thành viên nữa, đó chính là Max, người Do Thái trẻ tuổi được ông bà Hubermann che giấu trước sự tàn sát tàn bạo của người Đức. Dần dần, vượt qua những rụt rè và xa lạ ban đầu, Max và Liesel dần trở thành một cái gì đó giống như tình anh em. Trong truyện tác giả không hề kể nhiều về những cuộc đối thoại giữa hai người, nhưng những cái ôm, những quyển sách, những cơn ác mộng và mười ba món quà món quà khi Max bất tỉnh là đủ để thể hiện cái tình cảm da diết ấy. Tất cả đều là một tình yêu của một gia đình thực thụ.

Đó còn là tình yêu của những người bạn dành cho nhau. Đọc truyện, ta không thể không bị ấn tượng sâu sắc với tình bạn giữa Liesel và Rudy- một cậu trai cao nhòng, tóc vàng với lòng cuồng nhiệt Jesse Owens và một tình yêu mãnh liệt với Liesel. Một tình bạn trong sáng, trẻ con, đan lẫn với tình yêu gần như là mãnh liệt mà chính Rudy- kẻ luôn muốn được một nụ hôn từ Liesel và lần nào cũng bị từ chối- cũng không hề hiểu được. Hai đứa trẻ đồng hành cùng nhau trong những rắc rối trên phố Thiên Đàng, trong những vụ trộm cướp nho nhỏ và những lần đi giao đồ giặt ủi. Tình bạn còn được khắc họa qua câu chuyện giữa bố của Max và Hans Hubermann. Hai người gặp nhau khi cùng tham gia vào thế chiến thứ nhất. Họ nhanh chóng tìm thấy những điểm chung: đều không quan tâm đến cuộc chiến phi lý nhiều bằng những câu chuyện, những mẩu thuốc lá và âm nhạc. Chính bố của Max là người đã hy sinh để cứu sống Hans, để lại sau ông một ân nợ khó có thể nào quên.

Đó còn là tình yêu giữa người và người, giữa những con người xa lạ với nhau.. Trong bóng tối của cuộc sống nghèo đói xập xệ và thiếu thốn của phố Thiên Đàng thì chúng ta thấy được điều đó, tỏa sáng, giữa những tên trộm nhỏ bé. Điển hình là nhóm trộm do Arthur Berg dẫn đầu, bao gồm cả Rudy và Liesel. Phần trộm được bao giờ cũng được chia đều, và không ai bị bỏ lại phía sau khi mắc kẹt trong những phi vụ ấy. Là vợ chồng Hubermann, vượt qua sợ hãi và những tháng ngày căng thẳng để giấu một người Do Thái ngay trong chính căn nhà mình. Là hành động của cậu bé Rudy, rắc những mẩu vụn bánh mì trên đường để những người Do Thái bị diễu hành có thể nhặt được và ăn, dẫu cậu cũng đói khát không kém và phải đi ăn trộm để thỏa mãn cơn đói của mình. Là bố nuôi của Liesel khi chứng kiến cảnh một người đàn ông Do Thái khụy ngã giữa đường vì đói rét và những đòn roi đã đưa một mẩu bánh mì cho ông ta. Lúc ấy, ông đã quên mất những nguy hiểm có thể sẽ đến với bản thân, gia đình và cả người mà ông đang cưu mang. Để cuối cùng khi nhận ra những gì mình vừa làm, ông đã ngã vật trong sự day dứt: “Bố là một thằng ngốc”. Nhưng Liesel đã nói: “Không. Bố ơi. Bố chỉ là một con người”.

Câu chuyện của chiến tranh

Kẻ trộm sách còn là câu chuyện tố cáo chiến tranh. Truyện được kể dưới góc nhìn của thần chết, người luôn hiện hữu trong khoảng thời gian đen tối của lịch sử ấy. Thần chết vốn đi kèm với chết chóc và thường được gắn kèm với sự ghê rợn, kinh hoàng. Ấy vậy mà đặt ngài bên cạnh chính con người- những người sẵn sàng giết chết đồng loại của mình một cách nhẫn tâm- thì lại chẳng thấm thoát vào đâu. Chính ngài đã phải thốt lên day dứt rằng : “Tôi nhìn thấy sự xấu xí và vẻ đẹp của họ, và tôi tự hỏi rằng làm sao mà một thứ như vậy lại có thể mang cả hai thuộc tính này.”

Nạn nhân lớn nhất của cuộc chiến chính là những người Do Thái Đức mà điển hình được thể hiện qua nhân vật Max, người được gia đình Hubermann cưu mang. Anh dành cả tuổi trẻ của mình để chui rúc trong những căn phòng, làm bạn với bóng tối và nỗi lo sợ trước khi đi ngủ rằng khi ngủ dậy sẽ không còn an toàn nữa. Anh phải bỏ lại gia đình mình để đi trốn trong niềm day dứt và nhục nhã không bao giờ quên được. Anh trải qua bao tình cảnh sống dở chết dở, những lần ốm đến bất tỉnh, sợ sệt đến không dám thở mạnh. Sự tàn sát đã khiến một con người ưa thích đánh nhau, mạnh mẽ và can đảm trở thành người lúc nào cũng phải lẩn trốn trong sợ hãi. Ấy vậy nhưng anh vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác, may mắn hơn gia đình anh khi được cưu mang và che giấu bởi một gia đình như Hubermann và sống sót sau khi cuộc chiến kết thúc.

Nhưng không chỉ có mỗi người Do Thái là nạn nhân của cuộc chiến vô nghĩa này, mà người Đức, hay cả thần chết cũng là những nô lệ của nó. Chiến tranh đã khiến cuộc sống vốn nghèo khó của người dân ở những con phố như phố Thiên Đàng càng trở nên cơ cực hơn, Họ cũng phải lẩn trốn bom đạn, cũng thiếu ăn, cũng nhìn những người thân của mình ra chiến trường, nhận những tin báo tử, và cũng bị giết trong giấc ngủ bởi cuộc chiến tranh ấy. Những người Do Thái và những người dân Đức đều có nỗi khổ của riêng họ : “Trẻ con Đức thì tìm kiếm những đồng xu rơi vãi trên đường. Người Đức Do Thái thì trông chừng để khỏi bị bắt”

Và, là một cuốn sách về những cuốn sách...

Đây cũng là một câu chuyện ca ngợi sách và ngôn từ, vì hiếm có cái gì mà lại vừa tươi đẹp, vừa nguy hiểm đến thế. Sách và từ ngữ đã cứu sống rất nhiều người trong cuốn sách này. Đó là Liesel, là Hubermann và cả Max. Nó làm bừng sáng lên thế giới của Liesel, nâng đỡ và vực dậy tâm hồn em khỏi những mất mát và đau khổ do cuộc chiến. Đều là ngôn từ, nhưng khi Hitler dùng nó để chiếm đoạt quyền lực, mê muội con người vào những cuộc chiến thì đối với Liesel, từ ngữ và sách lại mang đến cả thế giới cho em. Liesel đam mê sách một cách kỳ lạ:

“Khắp nơi là sách! Trên mỗi bức tường là những chiếc kệ nhét đầy sách nhưng hết sức trật tự. Khó có thể nhìn thấy được lớp sơn tường.

Chỉ có những con chữ theo phong cách và kích thước khác nhau trên gáy của những quyển sách màu đen, màu đỏ, màu xám, những quyển sách đủ màu. Đó là một trong những cảnh tượng đẹp đẽ nhất mà Liesel Meminger từng thấy. Con bé nở nụ cười kinh ngạc”

Và em đã biết cách dùng cái niềm say mê ấy để làm đẹp cho cuộc sống của em và những người xung quanh. Một Liesel thường xuyên mang báo và sách để Max có thể đọc dưới căn hầm ẩm thấp, cứu anh khỏi sự ám ảnh và tuyệt vọng. Một Liesel đọc to dõng dạc từng chương sách trong căn hầm trú bom lấp đầy với những nỗi sợ hãi của mọi người. Một Liesel dùng những trang sách để an ủi Frau Holtzapffel khỏi nỗi mất mát người thân. Sách và ngôn từ, giờ đây không chỉ là giấy và chữ nữa. Nó là cầu nối giữa người với người, là vùng đất chung nơi mỗi người đều tìm thấy niềm an ủi để xoa dịu nỗi đau chiến tranh, và là những gì đẹp đẽ nhất trong quãng thời gian u ám ấy.

Kẻ trộm sách là một sách nói tuyệt vời. Cách dùng từ và lối viết văn của tác giả khiến người đọc vừa thấy ám ảnh, vừa thấy tràn ngập yêu thương với những điều đẹp đẽ tỏa ra từ những nơi tăm tối nhất . Markus Zusak giống như một họa sĩ vậy, vẽ lên những bức tranh bầu trời tràn ngập màu sắc và vẽ lên cả những cảm xúc đi kèm với nó nữa. Nhà văn đã lột tả hết được cái gian khổ, tàn bạo của thời kỳ ấy nhưng lại vừa khắc họa được một thế giới đầy tính nhân văn, tràn đầy lòng bác ái và tình yêu thương vượt lên trên mọi sự tàn ác đó. Cuốn sách khiến người đọc vừa khóc, vừa cười trước từng nhân vật, từng hành động; để rồi khi gấp lại quyển sách, người đọc còn lưu luyến mãi những cảm xúc ấy.

 

0 review for Kẻ Trộm Sách

Thêm một bài đánh giá

1 2 3 4 5