Tắt Đèn
Tác giả | Ngô Tất Tố |
Thể loại | TTVH - Việt Nam |
Chủ đề | Tiểu thuyết |
Số lượt xem | 8 |
Tổng thời gian nghe | 01 giờ 09 phút |
Tổng thời lượng sách nói | 03 giờ 33 phút |
Ngô Tất Tố – Ngòi bút sắc bén tái hiện xã hội Việt Nam thế kỷ XX
Ngô Tất Tố (1893-1954) là một nhà văn, nhà báo, nhà nho học, dịch giả và nhà nghiên cứu nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn tại Việt Nam giai đoạn trước 1954. Ông sinh ra ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Năm 1926, ông bắt đầu sáng tác văn học và nhanh chóng trở thành một trong những cây bút hiện thực xuất sắc nhất của giai đoạn này. Ngô Tất Tố đã cho ra mắt một loạt các tác phẩm chuyên viết về nông thôn Việt Nam trước cách mạng như: Tắt đèn, Lều chõng, Việc làng, Tập án cái đình,…
Các tác phẩm trước cách mạng của nhà văn Ngô Tất Tố đều là những câu chuyện tái hiện xã hội tối tăm và phức tạp của Việt Nam. Từ tiêu đề đến giọng văn diễn đạt, tác giả đã khéo léo chọn lựa để truyền đạt thông điệp sâu sắc về xã hội Việt Nam trong giai đoạn đầu của thế kỷ XX.
Khác biệt hoàn toàn với phong cách lãng mạn hoá hiện thực của các tác giả Nhất Linh hay Khái Hưng, thì Ngô Tất Tố mang đến cho khán giả thực trạng xã hội đầy bất bình và cơ cực của người dân qua tác phẩm “Tắt đèn”.
Tắt đèn – Hiện thực tăm tối của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX
Tắt đèn là một tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất của Ngô Tất Tố, và cũng được xem là biểu tượng của nền văn học hiện thực phê phán của Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Tác phẩm gồm 26 chương, được viết từ năm 1936 và được đăng tải trên báo Việt nữ từ năm 1937 đến năm 1938.
Nội dung chính của tác phẩm nói về cuộc sống khốn khổ của tầng lớp nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng tám dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Đó là những cảnh đời cơ cực, khốn khổ của người nông dân với những sưu cao thuế quá nặng nề tới mức người dân thường xuyên bị tra tấn dã man, rơi vào cảnh bần cùng đành phải bán con, bán đất để lấy tiền nộp sưu thuế,… Thế nhưng vẫn chưa được yên thân với lũ thực dân cai trị, chúng vẫn được nước lấn tới và dày xéo lên những người nghèo thuộc tầng lớp nông dân tội nghiệp bằng nhiều hình thức vô nhân tính.
“Tắt đèn là một cuốn xã hội tiểu thuyết tả cảnh đau khổ của dân quê, của một người đàn bà nhà quê An Nam suốt đời sống trong sự nghèo đói và sự ức hiếp của bọn cường hào và người có thế lực mà lúc nào cũng vẫn hết lòng vì chồng, vì con”.(Theo như tóm tắt tác phẩm Tắt đèn ngắn gọn nhất của chính tác giả Ngô Tất Tố).
Với đa số các bạn đọc thì đây là một tác phẩm khá quen thuộc nhờ “Tức nước vỡ bờ” một đoạn trích Tắt đèn được Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đưa vào chương trình Ngữ văn 8 tập 1. Điều này cho thấy giá trị giáo dục rất cao mà tác phẩm đem lại, những ý nghĩa ấy vẫn cần được khắc ghi giúp những bạn trẻ hiểu về hành trình lịch sử của Việt Nam, trân quý hòa bình hiện tại.
Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” là một trong những tình huống truyện được đẩy lên cao trào đặc sắc nhất khi mà chế độ phong kiến thực dân tàn bạo, đã bóc lột, áp bức người nông dân đến tận cùng khiến cho họ – trong tác phẩm là “Chị Dậu” phải đứng lên phản kháng lại:
“Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem! Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa.”
Ngô Tất Tố không ngần ngại bóc trần những hiện thực tàn khốc của cuộc sống nông dân dưới ách thực dân, mà còn đi sâu vào tận cơ bản, gốc rễ của vấn đề, bóc lột lớp vỏ xã hội để thấy rõ những hiện thực tăm tối lúc bấy giờ. Tác giả thông qua các nhân vật và tình tiết trong tác phẩm đã tạo nên một bức tranh sống động, làm cho độc giả không chỉ đọc mà còn cảm nhận được sự đau lòng, bức xúc và sự tồn tại của nỗi đau trong xã hội.
Hiệu ứng của ánh đèn và bóng tối trong “Tắt đèn”
Trong sách nói “Tắt đèn”, ánh sáng và bóng tối không chỉ là những khía cạnh về thị giác mà còn là những biểu tượng sâu sắc về tâm lý và tinh thần của nhân vật, tạo ra một bức tranh tinh tế về cuộc sống làng quê Việt trong ách áp bức của thực dân Pháp.
Ánh sáng trong tác phẩm xuất hiện chủ yếu trong những khoảnh khắc hạnh phúc, ấm áp của gia đình chị Dậu. Đó là ánh sáng của ngọn đèn dầu leo lét, lung linh trong căn nhà nhỏ của chị Dậu khi gia đình còn chưa gặp khó khăn, là ánh sáng của nụ cười của chị Dậu, của con cái chị Dậu, của những người nông dân nghèo khổ nhưng vẫn luôn lạc quan, yêu đời…
Ngô Tất Tố đem những hình ảnh nhỏ đó vào Tắt đèn để đọc giả thấy được giá trị tinh thần và lòng nhân ái trong con người Việt như những tia lửa hy vọng trong cuộc sống đầy khó khăn thời bấy giờ.
Ngược lại, phần bóng tối bao trùm lên toàn bộ tác phẩm đó là những khoảnh khắc khó khăn, những đau khổ, bi thương của gia đình chị Dậu. Đó là bóng tối của đêm tối, của những áp bức, bóc lột của giai cấp thống trị. Đó là bóng tối của nỗi đau khổ, của sự tuyệt vọng, của những mất mát, hy sinh của người nông dân nghèo khổ.
Chị Dậu đã bán khoai, phải bán chó và bán cả con để nộp suất sưu cho chồng, ngờ đâu chị lại phải đóng cả suất sưu cho người em chồng đã chết từ năm ngoái. Đến cuối cùng để có tiền chị Dậu đã phải lên tỉnh làm “vú em” cho quan cụ thì bóng tối vẫn còn đó, dai dẳng và khổ đau.
Phần kết truyện, bóng tối dường như vẫn che phủ hoàn toàn cuộc sống và hy vọng về tương lai của Chị Dậu: “Ngọn đèn hoa kỳ đã tắt lúc nào, cánh cửa khép kín. Trong phòng tối om.” … “Buông tay, chị vội choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân. Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị.”
Thật là “Gánh cực mà đổ lên non – Cong lưng mà chạy, cực còn theo sau”. Hiện thực xã hội Việt những năm đầu thế kỷ XX trong tác phẩm Tắt đèn, không có được cái ánh sáng có thể giúp xua đi hết màn đêm đằng đẵng của người nông dân.
Mặc dù ngọn đèn đã tắt đi và hiện thực vô cùng tăm tối, nhưng ẩn sau đó là hy vọng và khát khao được sống công bằng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Những tác phẩm phê phán hiện thực giàu giá trị và cảm xúc như Tắt đèn đã góp phần hình thành nhận thức và ấp ủ sự phản kháng, nổi dậy của nhân dân với ách đô hộ tàn bạo.
Chị Dậu – Vẻ đẹp của lòng can đảm và tình yêu lớn lao đối với gia đình của người phụ nữ Việt Nam
Bên cạnh việc đả kích mạnh mẽ chế độ ăn thịt người của thực dân, Ngô Tất Tố cũng không quên đưa vẻ đẹp của người phụ nữ Việt vào nhân vật chính trong truyện, đó là chị Dậu – Một người vợ yêu chồng, người mẹ thương con, sẵn sàng hy sinh để gia đình và người thân của mình được sống tốt hơn.
Chị Dậu sống trong một giai đoạn xã hội tăm tối, đói khổ. Với xuất thân là nông dân nghèo, chị kết hôn và một mình chị gánh vác cả gia đình: ba đứa con nhỏ, người chồng ốm đau và cả người em chồng đã mất mà không một lời than vãn. Hình ảnh của chị cũng chính là những người phụ nữ nông dân Việt Nam lúc bấy giờ.
Đối với những người phụ nữ như chị Dậu, chồng con chính là lẽ sống và sinh mạng của chị. Nhưng chúng khiến chị phải tự bán đi con mình, chẳng khác nào ép chị tự tay cắt đứt ruột gan mình. Bằng ngòi bút sắc bén, tác giả khéo léo lên án sự vô nhân tính của chế độ cai trị nửa thực dân của Pháp bằng tình cảnh đau đớn ấy.
“Với Chị Dậu lại càng rũ rợi. Chống tay lên trán, chị như nghĩ ngợi phân vân. Một lúc sau, chị đứng phắt dậy với cái dáng điệu quả quyết:
Thôi, phải tội với trời, mẹ chịu! Cảnh nhà đã thế, mẹ đành dứt tình với con!
Tức thì, chị chùi nước mắt và đi làm những việc mà chị cho là đau đớn. Cái Tỉu lại bậu bên sườn cái Tý. Con chó cái chúi đầu vào sợi xích sắt để cho bà chủ buộc vào cột nhà. Ðàn chó con phải bắt vào trong rổ thưa, trên có mẹt đậy và có lạt chằng chắc chắn.”
Đến khi các tình huống được đẩy lên cao trào dẫn đến “tức nước vỡ bờ”, chị cũng là người duy nhất trong tác phẩm dám đứng lên phản kháng để bảo vệ những người yêu thương của mình. Tuy chị Dậu là phụ nữ yếu ớt nhưng tác giả đã thể hiện thành công tính cách mạnh mẽ, can đảm và tình yêu thương gia đình lớn lao của người phụ nữ Việt.
Như nhà văn Nguyễn Tuân đã bình:
“Chị Dậu là một cái tâm tính mộc mạc, mộc mạc ngay cả trong sự thù ghét. Cái mộc mạch ngay thẳng đó cắt nghĩa nhiều cho mọi cái bộc phát và tự phát ở người nữ quần chúng đó”.
Ngày nay, tên của nhân vật “Chị Dậu” cũng vẫn thường được dùng để chỉ những con người hoặc gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn, nghèo khổ so với mặt bằng chung của xã hội đang cố gắng thoát ra khỏi số phận.
Bên cạnh tìm đọc tác phẩm “Tắt đèn”, các bạn hãy xem thêm bộ phim điện ảnh “Chị Dậu” (lấy nhân vật chính trong tác phẩm của Ngô Tất Tố) do Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Văn Khoa làm đạo diễn sản xuất năm 1980. Bộ phim đã được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Nantes (Pháp).