Tâm Lý Thị Trường Chứng Khoán
Tác giả | George Charles |
Thể loại | Kế Sách Làm Giàu |
Chủ đề | |
Số lượt xem | 57 |
Tổng thời gian nghe | 06 giờ 36 phút |
Tổng thời lượng sách nói | 02 giờ 12 phút |
Sách nói Tâm Lý Thị Trường Chứng Khoán chỉ cho bạn cách nhận thức được về tâm lý đám đông, đó là lúc bạn có thể bước vào thị trường chứng khoán và khám phá những điều thú vị cùng những bí mật ẩn giấu phía sau trò chơi kinh doanh này. Bài học về thảm họa đầu cơ và sự cuồng loạn của đám đông mà George Charles Selden đưa ra từ năm 1912 còn nguyên giá trị tới hiện tại dành cho các nhà đầu tư thế hệ mới.
“Làm thế nào để kiểm soát được cảm giác sợ hãi cùng tâm lý hoài nghi và dự đoán được xu thế tăng giảm của thị trường?”
Thật khó để một nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ mới bước chân vào sới bạc này có thể làm được điều đó một cách dễ dàng cả. Tuy nhiên với thị trường không có gì chắc chắn này thì sự đa dạng về quan điểm đã thực sự khiến nó trở nên hấp dẫn hơn.
"Đầu cơ cổ phiếu chủ yếu là câu chuyện xoay quanh việc anh A cố gắng nghĩ xem anh B, C và D đang nghĩ gì – trong khi B, C và D cũng cố làm y như thế."
- Ben Graham -
Và cuộc chơi này thực sự là cuộc chiến của người biết kiểm soát cảm xúc của mình khỏi những quyết định để đem lại thành công. Chúng ta cùng tìm hiểu xem đằng sau những diễn biến khó lường về biến động giá trên thị trường bị tác động bởi những yếu tố như thế nào.
I - VÒNG QUAY ĐẦU CƠ
Hầu hết những người kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp trên thị trường sẽ đều phải thừa nhận rằng những biến động giá cả không đáng kể – dao động trong khoảng từ năm đến mười đô-la – xảy ra ở những cổ phiếu có tính đầu cơ cao – phần lớn đều là do vấn đề tâm lý. Đó là những cổ phiếu penny, khi những người đầu cơ tìm đén những cổ phiếu này thường sẽ làm giá dao động rất mạnh(sàn, trần) trong một khoảng thời gian ngắn.
Đầu tiên chúng ta cần nghiên cứu vấn đề tâm lý đầu cơ một cách tổng thể, rồi sau đó mới có thể thử đưa ra các kết luận về cả những tác động của nó lên thị trường cũng như ảnh hưởng của nó tới khả năng thành bại của cá nhân các nhà đầu tư.
Để cho thuận lợi có lẽ chúng ta nên bắt đầu bằng cách tìm lại nguồn gốc sâu xa của một chu kỳ đầu cơ điển hình, một kịch bản lâu nay vẫn lặp đi lặp lại, hết lần này đến lần khác, hết năm này sang năm khác ở các thị trường chứng khoán và đầu cơ trên toàn thế giới – và có lẽ sẽ còn tiếp diễn chừng nào giá cả vẫn được định đoạt thông qua quá trình tranh giành lợi ích giữa người bán và người mua còn con người thì vẫn mải miết chạy đua tìm kiếm lợi nhuận và tránh xa khỏi thua lỗ.
Có người mua ắt có kẻ bán – hay nói cho chính xác hơn, có bao nhiêu cổ phiếu được mua vào thì cũng sẽ có bấy nhiêu cổ phiếu được bán ra.
Vào thời gian đầu của đợt tăng giá, nguồn cung cổ phiếu thường nhỏ giọt và thưa thớt; nhưng khi giá cả tăng cao hơn, ngày càng có nhiều người nắm giữ cổ phiếu thỏa mãn với mức lợi nhuận của mình và sẵn sàng bán ra.
Việc giá cả bị đẩy lên cao tới mức nào sẽ tùy thuộc vào tình trạng của nền kinh tế. Nếu tín dụng được thả lỏng và các ngành kinh doanh nói chung đang trong giai đoạn phát đạt thì có thể hy vọng vào một đợt tăng điểm kéo dài; còn nếu các ngân hàng siết chặt cho vay trong khi sản xuất kinh doanh chẳng lấy gì làm sôi động thì sức tăng chắc chắn sẽ chỉ ở một mức giới hạn nào đó. Nếu môi trường kinh tế vĩ mô không thuận lợi thì những đợt bán ra ồ ạt từ những tay bán khống – trên thực tế – sẽ chấm dứt đà tăng của thị trường; nhưng nếu thị trường được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định thì đà tăng sẽ được duy trì cho đến khi xuất hiện lực bán ra từ những người mua cổ phiếu để đầu tư thực sự, và những người này sẽ chỉ bán ra khi cho rằng giá cả đã đạt đỉnh.
Ở một khía cạnh nào đó, thị trường luôn là sàn đấu giữa những người đầu tư và đầu cơ. Mối quan tâm chủ yếu của các nhà đầu tư thực sự là tỷ lệ lãi suất, nhưng họ cũng không ngần ngại kiếm lời bằng cách mua thấp bán cao. Những người này sẵn sàng đầu tư vào một cổ phiếu mà họ cho là có tiềm năng ở mức giá có thể đem lại tỷ lệ lãi suất > 6% một năm; song họ cũng có thể bán chúng ra ngay lập tức để đổi lấy mức lời chỉ 4%. Trong khi đó, một tay đầu cơ chẳng bao giờ thèm quan tâm tới tỷ lệ lãi suất. Anh ta muốn mua vào trước khi giá tăng và bán khống trước khi giá giảm. Anh ta cũng có thể mua ngay cả khi giá đang ở đỉnh của một đợt tăng điểm mạnh, miễn là anh ta biết sẽ còn những đợt tăng tiếp theo.
khi thị trường đi lên, các nhà đầu tư lần lượt cảm thấy thỏa mãn với tỷ lệ lãi suất đạt được và quyết định bán cổ phiếu của mình đi. Do đó, lượng cổ phiếu được quay vòng bởi các nhà đầu cơ sẽ liên tục tăng lên tựa như một quả cầu tuyết càng lăn lại càng phình to ra.
Lý do khiến lượng cổ phiếu được các nhà đầu tư bán ra thị trường tạo được ảnh hưởng lớn đến như vậy không nằm ở số lượng cổ phiếu được bán ra thị trường vào thời điểm đó, mà bởi vì chúng có lượng cung cố định và không bao giờ bị thiếu cho đến khi giá cả bị xuống thấp một cách đáng kể. Ngược lại, những người đầu cơ có thể sẽ mua lại những gì chính anh ta hay những nhà đầu cơ khác đã bán đi ngày hôm trước.
Đến một lúc nào đó, dường như tất cả đều đang mua vào. Giá cả trở nên rối loạn. Một cổ phiếu có thể tăng vọt và khiến những tay bán khống kiên cường nhất cũng phải hốt hoảng. Một cổ phiếu khác cũng tăng mạnh tương tự, nhưng rồi sau đó lại lặng lẽ hạ nhiệt ngay lập tức trong khi còn chưa có ai kịp để mắt tới nó, giống như một chú ếch con bất ngờ nhảy ra khỏi giếng rồi lặn mất tăm. Một vài cổ phiếu khác cũng dao động mạnh không kém, tuy chỉ là quanh một mức nhất định, giống như chiếc tàu khổng lồ chạy bằng guồng nước đang cố thoát khỏi chỗ cạn trên bãi cát ở cửa sông.
Kỳ lạ thay, dù giá cả đang ở mức cao và mọi người đều đang mua vào nhưng dường như vẫn luôn có đủ cổ phiếu chào bán cho những người mới muốn tham gia vào thị trường.
Chừng nào lượng cổ phiếu đó vẫn còn trôi nổi trên thị trường(cổ phiếu có lượng cổ phiếu free-loat lớn thường rất khó tăng mạnh) thì xu hướng chung của giá cả vẫn sẽ là tiếp tục đi xuống.
Tính trung bình, lượng cổ phiếu được bán khống sẽ lớn nhất khi giá cả ở những mức thấp, mặc dù tại một vài thời điểm trong suốt quá trình đi xuống của thị trường, lượng bán khống sẽ nhiều hơn tại thời điểm thị trường chạm đáy, khi đó, chính lượng cổ phiếu được mua vào để trả nợ lại chính là cứu cánh cho những cơn hoảng loạn cực độ của đám đông.
Sự đi xuống của thị trường, cũng giống như lần đi lên trước đó, một lần nữa sẽ phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế cơ bản; bởi nếu nền kinh tế đang vận hành trơn tru thì các nhà đầu tư và tư bản đầu cơ sẽ trở lại thị trường sớm hơn so với khi dòng vốn đầu tư đang khan hiếm và viễn cảnh của các ngành sản xuất kinh doanh không có gì tươi sáng. Như một quy luật, lượng người mua vào sẽ không tăng mạnh cho đến ngày “đại hạ giá”, thời điểm một lượng rất lớn cổ phiếu được bán ra với giá thấp bằng hàng loạt các lệnh bán cắt lỗ. Các nhà kinh doanh trực tiếp trên sàn lập tức nắm lấy cơ hội này để dìm giá xuống và hậu quả là hàng loạt cổ phiếu mất giá mạnh trên diện rộng.
Thị trường bỗng nhiên tràn ngập các cổ phiếu rẻ bất ngờ và những nhà đầu tư và đầu cơ khôn ngoan – cả lớn lẫn nhỏ nhưng phần nhiều là lớn hoặc sắp trở nên như vậy – liền mải mê thu nhặt chúng. Giới hạn giá của rất nhiều nhà đầu tư cũng bắt đầu bị phá vỡ do thị trường liên tục phá đáy và họ không thể tiếp tục mua vào nữa. Những người này sẽ không mua vào trở lại cho tới khi một chu kỳ tăng giá mới bắt đầu.
Rất nhiều cổ phiếu khống cũng được mua lại tại những thời điểm thị trường thủng đáy như thế này, nhưng không phải tất cả. Và cái kết của một ngày “đại hạ giá” chính là sự xuất hiện một lượng lớn cổ phiếu khống cần được mua lại. Giá cả nhờ thế mà hồi phục đôi chút nhưng khi lượng cầu tạm thời này qua đi, thị trường lại tiếp tục quay đầu đi xuống và rơi vào trạng thái ảm đạm kéo dài. Và đây cũng chính là tình trạng tại thời điểm bắt đầu của vòng quay đầu cơ mà chúng ta vừa phân tích.
Đến đây chúng ta chợt nhận ra một sự thật hiển nhiên rằng những gì được mô tả ở trên thực chất là câu chuyện về những niềm hy vọng và nỗi sợ hãi của con người; về những diễn biến tâm lý xuất phát từ chính trạng thái của một nhà đầu tư hay đầu cơ trên thị trường chứ không phải từ những đánh giá khách quan về tình hình thực tế của họ; về sự phản chiếu không hề chắc chắn của một hiện tại chủ quan vào một tương lai bất định dù không phải là hoàn toàn không thể dự đoán trước, được thực hiện bởi trí tưởng tượng phong phú của đám đông công chúng.