“Tâm Lý Học Về Tiền” đã được thêm vào danh sách yêu thích.

Tâm Lý Học Về Tiền

Tác giả: Morgan Housel
Cuốn sách Tâm Lý Học Về Tiền của Morgan Housel sẽ chỉ cho chúng ta những bài học đơn giản nhưng vô cùng quan trọng về cách nhìn nhận giá trị tiền bạc, cách quản lý chúng để có cuộc sống thoải mái và hạnh phúc hơn.

Tác giả sách Tâm Lý Học Về Tiền

Tâm Lý Học Về Tiền được viết bởi Morgan Housel. Ông là đối tác của quỹ The Collaborative, chuyên gia tài chính, cựu chủ bút của chuyên mục tài chính cho tờ The Motley Fool và The Wall Street Journal. 

Tác giả Tâm Lý Học Về Tiền từng thắng giải thưởng Sydney của Thời báo New York và hai lần lọt vào chung kết giải thưởng Gerald Loeb cho báo tài chính kinh doanh xuất sắc.

Nội dung sách Tâm Lý Học Về Tiền

Sách nói Tâm Lý Học Về Tiền tương đối ngắn và dễ nghe, chuyển tải nhiều bài học ý nghĩa về tiền bạc.

Sách chia sẻ gần 20 câu chuyện giúp chúng ta thay đổi góc nhìn của mình về cách mà chính bản thân và những người khác đang sử dụng tiền trong đời sống hàng ngày.

Không thể đánh giá cách người khác tiêu tiền

Chúng ta nhìn một người bạn mua sắm điên cuồng và phán xét họ đang vung tay quá trán. Thực chất, hành vi của mỗi người, kể cả trong lĩnh vực tiền bạc chịu ảnh hưởng lớn bởi trải nghiệm và môi trường đậm tính cá nhân.

Môi người xuất thân từ một thế hệ khác nhau, được nuôi dạy trong gia đình khác nhau, coi trọng những hệ giá trị khác nhau, sống trong những nền kinh tế khác nhau. Chúng ta không thể lấy cách chi tiêu của mình làm chuẩn và yêu cầu người khác hành xử theo phong cách của mình. 

Một người từng sống qua thời kỳ lạm phát tăng cao sẽ có cách tiêu tiền và suy nghĩ về tiền khác hẳn người sống trong thời kỳ bình ổn giá. Mỗi người mỗi khác, xin đừng đánh giá.

Chính vì vậy, bạn cũng đừng nghe theo lời khuyên tài chính của người khác mà không cân nhắc đến yếu tố khác biệt. Đừng một mực nghe theo, hoặc sao chép y nguyên hoạt động đầu tư của người khác mà bỏ qua khác biệt cá nhân.

Kiếm bao nhiêu không quan trọng bằng giữ bao nhiêu

Bạn có thu nhập cao nhưng lại “nướng” một phần đáng kể thu nhập của mình vào những hoạt động vô bổ thì việc bạn cày cuốc hết mình chưa hẳn đã có ý nghĩa. 

Biết đủ là một tư duy sống, một kỹ năng tài chính mà chúng ta cần rèn luyện cho mình. Nhiều người có mức gia tăng thu nhập chậm hơn mức gia tăng chi tiêu. Họ kiếm nhiều tiền hơn nhưng còn chi tiêu nhiều hơn nữa. 

Mục đích cuối cùng của kiếm tiền là để bản thân đạt đến tự do. Biết đủ để bản thân không phải lệ thuộc vào đồng tiền, đó mới là tự do cuối cùng.

Bạn không nhất thiết phải chi tiêu dè xẻn, đầy đọa bản thân sống thiếu thốn. Chỉ là biết nhu cầu thực sự của mình, chi tiêu cho những việc và những người xứng đáng.

Kiểm soát cái tôi là điều bạn cần học nếu muốn đạt đến sự tự do về tư duy tài chính. Bớt quan tâm đến những điều người khác nghĩ về bạn, bớt mua sắm để trưng diện cho cái tôi sẽ giúp bạn thanh thản trong đầu óc và tiết kiệm được tiền một cách thông thái.

Thực chất, việc quản lý tiền bạc không chỉ phụ thuộc vào kiến thức tài chính mà nó còn là trò chơi của tâm lý. Học cách tiết kiệm như một bản năng sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn nhiều.

 

Đầu tư càng sớm càng tốt

Theo sách nói Tâm Lý Học Về Tiền, thay vì để tiền nhàn rỗi nằm yên một chỗ thì hãy biến nó thành công cụ đem thêm những đồng tiền khác về cho mình. Đầu tư sớm (một cách có hiểu biết) sẽ giúp bạn vượt qua được tác động của lạm phát và có một khoản back up cho phần đời sau của mình.

Tuy vậy, đầu tư là một con đường dài, đòi hỏi sự bình tĩnh và kiên nhẫn vô cùng lớn. Warren Buffet bắt đầu tham gia đầu tư từ năm ông 10 tuổi, nhưng phần lớn tài sản của ông chỉ đến vào những năm ông đã bước sang tuổi cao niên. Không thể phủ nhận khả năng đầu tư thiên bẩm, con mắt quan sát đánh giá tinh đời của tỉ phú Warren Buffet nhưng bí mật lớn nhất làm nên sự giàu có của ông chính là thời gian.

“Lãi kép là kỳ quan thứ 8 của thế giới”. Càng đầu tư sớm, trái ngọt chúng ta được hưởng lại càng tuyệt vời. Bắt đầu với nền tảng khiêm tốn, nhưng được tích lũy trong thời gian đủ lâu cũng sẽ giúp bạn tạo nên những điều phi thường.

Nhận xét về cuốn sách Tâm Lý Học Về Tiền

Nói về tiền bạc, người ta thường nghĩ đến những công thức tài chính khô khan, những bảng tính cần phải cân đối đến mức đau đầu. Trên thực tế, quản lý tiền không chỉ là câu chuyện kỹ năng tài chính, nó phần lớn được quyết định bởi tư duy và tâm lý của chúng ta với tiền. 

Cuốn Tâm Lý Học Về Tiền cho thấy, có nhiều cách, nhiều góc nhìn ta có thể điều chỉnh để kiếm tiền hiệu quả hơn, chi tiêu hợp lý hơn và tiết kiệm thông minh hơn. Cuối cùng thì đồng tiền là công cụ, chứ không phải là mục tiêu để chúng ta sống cuộc đời hạnh phúc.

Tâm Lý Học Về Tiền là một sách nói dễ nghe và nên nghe. Học được bài học từ những sai lầm thông qua các câu chuyện của tác giả sẽ giúp chúng ta hành xử hợp lý và thông minh hơn trước sức mạnh của đồng tiền. 

Ví dụ trong quá khứ và hiện tại, câu chuyện đầu tư của các vị tỉ phú như Benjamin Graham, Jesse Livermore hay Bill Gates sẽ cho bạn những bài học sống động về cách quản lý tiền bạc một cách thông thái.

 

Trích dẫn hay từ cuốn Tâm Lý Học Về Tiền

“Việc đầu tư tốt không nhất thiết để kiếm được lợi nhuận cao nhất, bởi vì lợi nhuận cao nhất thường có xu hướng trở thành một trong những lần đột phá ko thể lặp lại được. Mục tiêu nên là kiếm được lợi nhuận tốt mà bạn có thể nắm giữ và có thể lặp lại trong khoảng thời gian dài nhất. Đó là khi tích luỹ được phát huy hiệu quả”.

“Chúng ta đều có cái nhìn không hoàn chỉnh về thế giới, và chính chúng ta tự tạo ra những câu chuyện hoàn chỉnh để lấp đầy chỗ trống đó”

“Nhiều tiền không liên quan nhiều đến việc bạn thông minh như thế nào mà lại liên quan lớn đến cách bạn hành xử. Và cách hành xử thì rất khó để uốn nắn, ngay cả đối với những người thực sự thông minh.”

Lời kết

Nghe sách nói Tâm Lý Học Về Tiền để thay đổi tư duy về tiền bạc, để quản lý tài chính thông minh hơn và bắt đầu tích lũy càng sớm càng tốt cho một tương lai hạnh phúc hơn.

0 review for Tâm Lý Học Về Tiền

Thêm một bài đánh giá

1 2 3 4 5