Sức Mạnh Của Tĩnh Tâm
Tác giả | Hải Hoa |
Thể loại | Tâm Lý |
Chủ đề | Tĩnh tâm Tâm hồn |
Số lượt xem | 25 |
Tổng thời gian nghe | 04 giờ 56 phút |
Tổng thời lượng sách nói | 05 giờ 57 phút |
Trong thế giới tràn đầy náo động và dục vọng như ngày nay, bạn đang phải lo lắng và bất an vì tiền bạc, vì ham muốn vật chất, vì danh lợi,... bạn điên cuồng lao theo dòng xoáy của cuộc đời chỉ vì hai chữ “sinh tồn”. Và giờ, nếu như bạn cảm thấy mình đang dần dần đuối sức, muốn tìm được một điểm dừng, một cái tôi “tĩnh tâm” thì hãy đến với cuốn sách này “Sức mạnh của tĩnh tâm”.
Sách nói được viết bởi một tác giả người Trung Quốc tên Hải Hoa. Với khoảng 300 trang sách, cùng với 6 chương sách, tác giả đã đưa ra những câu chuyện, những kinh nghiệm giúp độc giả có thể tìm ra căn nguyên của sự lo lắng, vén bức màn bí mật về sự tĩnh tâm và hơn hết là giúp chúng ta học được cách vượt qua được những trở ngại ở trong lòng.
“Biết tĩnh tâm để nhìn nhận cuộc đời là một loại cảnh giới”.
Tâm không tĩnh tức là phiền não nảy sinh
Ở phần này, tác giả đưa ra 4 câu chuyện tương ứng với 4 bài học kinh nghiệm bao gồm: Tâm có tạp niệm, Không thể từ bỏ chấp niệm, Hư vinh là sợi dây chuyền đẹp đẽ và Cuộc đời giống như chiếc đồng hồ đã lên dây cót. Đó cũng chính câu trả lời cho câu hỏi “Như thế nào là tâm không tĩnh”.
Tâm không tĩnh tức là tâm có tạp niệm, là không từ bỏ được chấp niệm, là ham hư vinh và là quá bận rộn, không còn có chỗ cho sự nhàn hạ.
“Trên con đường theo đuổi mục tiêu nào đó, một khi con người phát hiện ra sự tồn tại của người giỏi hơn hoặc nhanh chân vượt trước mình thì thường nảy sinh than vãn, đau khổ, thậm chí là căm giận, bởi trong tâm cảm thấy tự hổ thẹn vì mình kém cỏi hơn người khác…”
Sự tham lam và đố kỵ chính là một tạp niệm. Nó luôn ẩn dấu trong lòng chúng ta, nó chỉ chờ những lúc ta yếu thế mà phát nổ, khiến ta đố kỵ càng thêm đố kỵ và đặc biệt là sẽ càng ngày càng xa mục tiêu của mình đã đặt ra ban đầu.
Bận rộn là một lối sống nhưng không phải lúc nào bận rộn cũng khiến ta cảm thấy hạnh phúc. Đôi khi, chúng ta cần sống chậm lại, tận hưởng những điều xung quanh đang diễn ra, để tận hưởng cảnh sắc mà ta đã lỡ bỏ qua bởi sự bận rộn.
“Nếu chúng ta chỉ biết bận rộn một cách mù quáng thì cuối cùng, thứ thu được chỉ là sự hoang mang.”
Tìm lại cái tôi chân thực trong yên bình
“Sự ghét bỏ của người khác không đáng sợ, mà điều đáng sợ là cảm giác tự chán ghét mình.”
Mỗi người chúng ta là một cá thể tồn tại “độc nhất vô nhị”, bạn không thể vì người khác chê bạn nói nhiều mà trở nên im lặng. Khi người khác chê bạn, phê bình bạn, điều bạn cần làm là hãy kiểm tra xem điều mình làm là tốt hay xấu, sau đó hãy tự cố gắng hoàn thiện bản thân của mình. Đừng lúc nào cũng nghe thấy sự chê trách là chắc chắn rằng mình sai, mình không đúng. Hãy dùng trái tim yên bình để làm nên cái tôi tốt nhất.
Tĩnh do tâm sinh, cảnh theo tâm chuyển
“Thay vì chú ý đến những điểm không như ý, thì chúng ta hãy học cách tìm kiếm niềm vui, nhìn vào mặt tốt đẹp của cuộc sống.”
Khi phiền muộn, thay vì than thân, trách phận, ta có thể lựa chọn cách tìm một chỗ yên tĩnh để một mình xem phim, một mình đọc sách, một mình đi dạo,... Ta cũng có thể đi ăn cùng cô/cậu bạn thân, đến tâm sự với chú chó nhà hàng xóm,... Hãy làm những gì ta muốn, mọi điều không vui rồi sẽ trôi qua nhanh thôi.
Trong trí tuệ có sự “tĩnh” tuyệt đối
“Thật ra, con người khi không có được có gì đó thì sẽ có niềm khao khát mơ hồ về nó.”
Bạn mơ ước được gầy như cô người mẫu kia, nhưng bạn lại không biết được rằng, cô ấy cũng ao ước được ăn mọi thứ mà mình muốn như bạn. Bạn ao ước được giàu có, nhưng lại không biết rằng tiền tài không phải lúc nào cũng đem lại hạnh phúc cho chúng ta,... Nếu cuộc sống hiện tại đã đủ làm ta vui vẻ, hạnh phúc, vậy thì đừng quá theo đuổi hư danh, của cải, vật chất. Đối với những thứ ấy, ta nên được không nên kiêu căng và mất cũng không nên cay cú. Hãy cứ bình thản, sống an nhiên với đời.
Xa lánh thế sự, tĩnh tâm suy tưởng
Suy tưởng có tác dụng rất tốt đối với việc thoát khỏi áp lực, xua đi phiền não và duy trì cân bằng tâm lý. Suy tưởng bao gồm các phương pháp như: suy tưởng sắc màu, suy tưởng trí tuệ, suy tưởng tự kỷ, suy tưởng thực vật,... Hãy thử áp dụng phương pháp suy tưởng tự kỷ để thấy được hiệu quả của nó trong việc giúp ta tránh xa “hố đen” của tức giận nhé.
Đầu tiên, hãy điều chỉnh tư thế và nhịp thở của bản thân, sau đó hồi tưởng lại những tổn thương mà bản thân đã từng phải chịu: những người mà khiến bạn tức giận, những câu nói chất chứa trong lòng bấy lâu nay,...
Tiếp theo, hãy thử cảm nhận tâm trạng của đối phương. Hãy cố gắng hiểu một cách khách quan nhất. Vì sao họ lại làm tổn thương mình? Có phải họ cũng từng bị đối xử như vậy không? Hãy dùng sự bao dung của bản thân để thấu hiểu người khác, để hoá giải hận thù. Hãy làm điều này mỗi tối, suy tưởng tự kỷ, hãy để thời gian làm nhạt nhoà đi vết thương lòng.
“Thay vì ôm mãi trong lòng nỗi tức giận với quá khứ, chi bẳng bạn hãy thoải mái đón nhận ngày mai tươi đẹp.”
Tìm một phương thức yên bình
Những phương thức yên bình mà bạn có thể áp dụng khi đọc chương này là: Tĩnh tọa tĩnh tâm, Hô hấp kiểu bụng, thở ra áp lực và buồn phiền, Mỉm cười, Yoga, Đọc sách, Nghe nhạc,...
Nụ cười - Là một điều kỳ diệu nhất mà tạo hoá trao tặng cho chúng ta. Nó khiến ta gần nhau hơn, nó giúp ta có thể xoa tan mọi sự hiểu lầm, nó giúp ta vượt lên những khó khăn, vấp ngã,...
“Vì vậy, hãy cười với cuộc đời, để nụ cười trở thành ánh nắng xuyên qua mây đen, mang lại niềm vui, an lành và hạnh phúc cho tâm hồn của chúng ta.”
Âm nhạc sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn. Âm nhạc sẽ giúp bạn giải phóng những áp lực. Âm nhạc làm tiêu tan những cảm xúc tiêu cực,...
“Giai điệu đẹp đẽ vui tai có thể làm thư giãn thần kinh của con người, khiến tâm trạng tươi sáng, khơi dậy sự hứng thú với những sự vật tốt đẹp.”
Lời kết
Vào một ngày, khi bạn bỗng:
Cảm thấy lo lắng, bất an.
Cảm thấy mệt mỏi, đuối sức.
Hãy nghe sách nói “Sức mạnh của tĩnh tâm” này - nó sẽ đưa bạn đến chốn tĩnh lặng riêng của tâm hồn.