Gia tộc Morgan - Phần 1
Tác giả | Ron Chernow |
Thể loại | Kiến Thức Kinh Tế |
Chủ đề | Lịch sử Kinh tế Gia tộc Morgan |
Số lượt xem | 34 |
Tổng thời gian nghe | 04 giờ 30 phút |
Tổng thời lượng sách nói | 07 giờ 21 phút |
Thông qua hơn 1.000 trang sách Gia tộc Morgan (The House of Morgan), Ron Chernow hé lộ cho độc giả những góc nhìn xuyên suốt về sự thành hình của bối cảnh tài chính thời bấy giờ. Dưới ngòi bút sắc sảo nhưng không kém phần tinh tế và mềm mại, tác giả đoạt Giải thưởng National Book Award Ron Chernow đã mang tới một góc nhìn toàn cảnh được nghiên cứu kỹ lưỡng về gia tộc quyền lực nhất trong giới ngân hàng Mỹ suốt thế kỷ qua. Với công trình nghiên cứu kỳ công của Ron Chernow, bức chân dung mới mẻ về gia tộc Morgan và các cộng sự cấp cao tài giỏi, những người góp phần đưa ngân hàng trở thành tập đoàn quyền lực xuyên quốc gia đã được khắc họa rõ nét như một thước phim truyền hình. Tai tiếng có, bi kịch có, âm mưu có, và tất cả sẽ được phơi bày trong sách nói Gia tộc Morgan.
Khi nhắc tới ngành Tài chính – Ngân hàng thế giới, không ai không biết tới “Con phố duy nhất không bao giờ ngủ” – Phố Wall của nước Mỹ. Tương tự, khi nhắc tới Ngân hàng nước Mỹ, nói tới Phố Wall, thì cái tên J. P. Morgan và Morgan Stanley đã trở thành huyền thoại.
Như một cây đa cổ thụ, gia tộc Morgan bản lĩnh trưởng thành và vươn mình qua mọi giông tố của khủng hoảng, chiến tranh, dư luận, che bóng mát truyền nhựa sống để các ngành công nghiệp của nước Mỹ phát triển như vũ bão, vươn ra thế giới.
Gia tộc Morgan là những người như thế nào? Họ đã làm gì để có được tầm ảnh hưởng lớn đến như vậy? Ron Chernow sẽ mang tới cho độc giả thông qua hơn 1.000 trang sách của cuốn sách cùng tên.
Về Ron Chernow và cuốn sách Gia tộc Morgan (The House of Morgan)
Là nhà văn, nhà báo, nhà sử học và người viết tiểu sử người Mỹ, Ron Chernow là tác giả của hàng loạt tiểu sử bán chạy nhất về các nhân vật lịch sử trong thế giới kinh doanh, tài chính và chính trị Mỹ. Ông vinh dự giành giải thưởng Pulitzer Prize for Biography và giải American History Book Prizen năm 2011 cho cuốn sách Washington: A Life. Cuốn tiểu sử của ông về Alexander Hamilton (2004) và John D. Rockefeller (1998) đều được đề cử cho giải National Book Critics Circle Awards.
Gia tộc Morgan (The House of Morgan) là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Ron Chernow. Nhờ tác phẩm kinh điển và kỳ công mang tên Gia tộc Morgan, ông đã vinh dự được nhận giải National Book Award for Nonfiction.
Gia tộc Morgan – Cuốn biên niên sử hay nhất về “cây đa cổ thụ” của ngành Ngân hàng Mỹ thời bấy giờ
Thông qua Gia tộc Morgan, Ron Chernow đã khắc họa nên một bức tranh đồ sộ, trải dài hơn một thế kỷ trong chiều dài lịch sử nhân loại. Đó là giai đoạn từ nửa đầu thế kỷ XIX ở London thời Victoria tới nửa cuối thế kỷ XX ở Phố Wall với rất nhiều biến cố. Trong suốt cuốn biên niên sử ấy, nhiều nhân vật, diễn biến, khoảnh khắc đã xuất hiện với đầy đủ các thang bậc như rực rỡ, hào hùng, trầm lắng, lấm lánh,... về một gia tộc vĩ đại bậc nhất của ngành ngân hàng nước Mỹ thời bấy giờ: gia tộc Morgan.
Nếu ví Gia tộc Morgan như một thước phim sống, đây sẽ là một trường thiên phim ảnh với ba kỷ nguyên thăng trầm của một tổ chức được coi là cội rễ của ngành Ngân hàng Mỹ:
- Kỷ nguyên Ông Trùm (Baronial Age: 1838-1913)
- Kỷ nguyên Ngoại giao (Diplomatic Age: 1913-1948)
- Kỷ nguyên Canh bạc (Casino Age: 1948-1989)
Bằng cách biến cuốn sách trở thành một thước phim vô cùng sống động, cuốn biên niên sử của Ron Chernow đã thuật lại quá trình phát triển, sụp đổ và hồi sinh của một đế chế ngân hàng Mỹ quá đỗi hùng mạnh thời bấy giờ – Gia tộc Morgan.
Gia tộc Morgan – “Con quái thú” bí ẩn và nhiều tai tiếng trong ngành Ngân hàng Mỹ thời bấy giờ
Lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến sự lên ngôi và sụp đổ của rất nhiều hệ thống ngân hàng lớn, nhưng có lẽ chưa có một tổ chức nào hay một ngân hàng nào lại ẩn chứa bên trong mình nhiều giai thoại, nhiều bí mật và nhiều chủ đề gây xôn xao dự luận như gia tộc Morgan.
Cho đến năm 1989, J. P. Morgan & Co. vẫn nắm quyền điều khiển nền tài chính Mỹ từ trụ sở nằm trên “Góc phố” Broad và Wall. Nằm giữa Sở giao dịch chứng khoán New York và Hội trường Liên bang, tòa nhà số 23 Phố Wall với lối vào ở ngay góc cắt và không đề biển hiệu, tạo cảm giác xa cách của hàng ngũ quý tộc. Phần lớn câu chuyện của chúng ta xoay quanh tòa nhà được xây bằng đá cẩm thạch này cùng với các đời tổng thống và thủ tướng, ông trùm và nhà triệu phú từng đặt chân tới đó. Cùng với những ghi chép đã công khai, chúng ta có thể theo chân họ vào ngân hàng bí ẩn nhất thế giới này.
Trước những năm 1935, gia tộc Morgan được coi là sự kết hợp tài chính quyền lực bậc nhất trong lịch sử.
Được một chủ ngân hàng người Mỹ tên là George Peabody sáng lập tại London năm 1838, công ty được gia đình Morgan kế thừa và bắt nhánh sang New York. Hai nhà điều hành được biết đến nhiều nhất của Morgan là J. P. Morgan, Sr. (1837-1913) và J. P. Morgan, Jr. (1867-1943), đã kết hợp hoàn hảo thành “quái thú” J. P. Morgan tồn tại suốt hơn một thế kỷ.
Thông qua cuốn biên niên sử cùng tên, Ron Chernow cũng chỉ ra cho chúng ta thấy rằng gia tộc Morgan là một tổ chức mang đầy tai tiếng trong lịch sử ngành Ngân hàng Mỹ.
Gia tộc Morgan là nơi nảy sinh hàng nghìn thuyết âm mưu và thế hệ những kẻ tọc mạch.
Được xem là ngân hàng cao cấp nhất, nó từng phục vụ cho nhiều gia tộc đình đám bậc nhất nước Mỹ thời bấy giờ, nhưng việc ngân hàng tránh làm ăn với những tầng lớp thấp hơn cũng gây ra nhiều nghi vấn trong dư luận. Không chỉ vậy, việc xuất hiện dưới tư cách là nhà cung cấp tài chính cho hàng loạt các gã khổng lồ trong ngành công nghiệp của nước Mỹ thời bấy giờ như General Electric, General Motors, Du Pont,..., gia tộc Morgan tham gia vào hội đồng của các công ty này và điều này làm dấy lên một mối lo ngại về việc quyền lực gia tăng một cách quá mức cần thiết của thế lực ngân hàng.
Ron Chernow cũng làm sáng tỏ sự huyền bí của gia tộc Morgan thông qua cuốn sách bằng những dẫn chứng liên quan tới mối liên kết của họ với chính phủ. Ông gọi đây là “vẻ huyền bí trêu ngươi”.
Cũng giống như Rothchilds và Barings lừng danh, Morgan dường như có lợi thế trong việc tham gia cơ cấu quyền lực của nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, Anh, Pháp và ở mức độ thấp hơn như Ý, Bỉ, Nhật Bản. Đóng vai trò như một công cụ thể hiện quyền lực của Mỹ đối với các nước khác, mỗi động thái của J. P. Morgan & Co. đều ảnh hưởng lớn đến chính sách ngoại giao.
Sự bí ẩn của gia tộc Morgan còn thể hiện ở trong công việc kinh doanh của công ty này và nó càng làm cho những hiểu biết của dư luận về ngân hàng này trở nên rối như mớ bòng bong. Trên danh nghĩa, gia tộc Morgan hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng nhưng thực tế thì hoạt động của họ lại không có mấy điểm chung với ngân hàng bán lẻ tiêu chuẩn. Sự kỳ quặc này đã được Ron Chernow đưa ra thông qua một số dẫn chứng trong cuốn sách Gia tộc Morgan:
Họ không có quầy giao dịch, không cho vay tiêu dùng và thế chấp. Thay vào đó, họ đi theo con đường ngân hàng bán buôn như truyền thống xa xưa của châu Âu, phục vụ chính phủ, các tổ chức lớn và cá nhân giàu có. Do tập trung vào cơ sở tài chính cấp cao, phong cách của họ khá kín đáo và thận trọng.
Morgan Guaranty Trust – Người thừa kế thật sự của Gia tộc Morgan
Trong cuốn sách cùng tên, Ron Chernow đã mang tới cho độc giả những hiểu biết sâu sắc về một tổ chức có tên là “Morgan Guaranty Trust”.
Người thừa kế thật sự của Gia tộc Morgan chính là J. P. Morgan & Co, được biết đến dưới cái tên của chi nhánh Morgan Guaranty Trust.
J. P. Morgan & Co. thu hút khách hàng giàu có bằng vẻ ngoài “sang chảnh” của nó như những hàng ghế da, những cây đèn bằng đồng được đánh sáng bóng hay những phòng ăn riêng chuyên được sử dụng để tổ chức tiệc cho các chủ tài khoản với bảng thực đơn được chạm khắc là món quà lưu niệm. Không chỉ dừng lại ở đó, nó cũng không tuỳ tiện nhận tiền từ bất cứ cá nhân nào. Những khách hàng đến gửi tiền tại ngân hàng này đều ít nhiều phải có mối liên hệ với nó. Kinh khủng hơn, ngân hàng này còn yêu cầu mỗi tài khoản cá nhân phải có ít nhất 5 triệu đô-la và ít khi giảm chi tiêu xuống 2 triệu đô-la. Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ ở đây. Đối với các tài khoản cá nhân, ngân hàng này không hề tỏ ra quá vồ vập. Nó cũng không lập nhiều văn phòng đại diện tại nhiều địa điểm mà thay vào đó, nó để cho khách hàng tự tìm tới ngân hàng này. Và có một thực tế là dù cho thế giới ngày nay đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt, hiếm khi có nhiều hơn một chi nhánh của ngân hàng J. P. Morgan tồn tại trong một quốc gia.
Trong khi các tài khoản cá nhân đem đến cho ngân hàng Morgan dấu ấn đầy quyến rũ, chúng lại chỉ tạo ra một phần nhỏ lợi nhuận. Ngân hàng tập trung vào những tập đoàn lớn và chính phủ, thu xếp một lượng lớn tín dụng cùng các vấn đề về chứng khoán, kinh doanh ngoại hối cùng các công cụ khác.
Lại một lần nữa Ron Chernow nhấn mạnh tới sự tập trung của ngân hàng Morgan vào các tổ chức chính phủ. Ngân hàng Morgan thường tự hào cho rằng “96 trong tổng số 100 tập đoàn lớn nhất nước Mỹ là khách hàng của họ và ám chỉ hai trong số bốn trường hợp còn lại bị đánh trượt do không phù hợp tiêu chí đề ra”. Thực tế đã chứng minh rằng công thức truyền thống này của nhà Morgan là đúng và luôn mang lại những kết quả tốt đẹp. Một số dẫn chứng sau trong cuốn sách Gia tộc Morgan của Ron Chernow sẽ minh họa cho kết quả này:
- Vào đêm trước khi xảy ra sự kiện Ngày thứ Hai đen tối năm 1987, J. P. Morgan & Co. là ngân hàng đắt giá nhất nước Mỹ mặc dù chỉ xếp hạng thứ 4 trong số các ngân hàng lớn nhất.
- Dựa vào giá cổ phiếu, ngân hàng có giá trị vốn hóa 8,5 tỷ đô-la, nhiều hơn cả Citicorp.
- Cho dù phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì khoản nợ hơn 4 tỷ đô-la của Mỹ Latinh, chi nhánh của J. P. Morgan có tên Morgan Guaranty vẫn là ngân hàng lớn duy nhất của Mỹ xếp hạng AAA.
- Trong hầu hết những năm 1980, ngân hàng này đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao hơn bất kỳ ngân hàng nào và thường xuyên xếp thứ hai về lợi nhuận sau Citicorp với chỉ bằng một nửa tài sản.
- Morgan Guaranty quản lý 65 tỷ đô-la chứng khoán trong Ngày thứ Hai đen tối.
- Ngân hàng được ca ngợi là “đứng đầu về chất lượng bằng bất cứ phương pháp đo lường nào bạn có thể nghĩ đến” và “ngân hàng hoàn hảo cho mọi người”.
Dù cho có mắc phải những sai lầm hay bê bối, không thể phủ nhận được sự thành công của “đứa con thừa kế” này.
Gia tộc Morgan – Thước phim sống động về một tổ chức gạo cội trong ngành Ngân hàng Mỹ
Gia tộc Morgan của Ron Chernow giống như một thước phim sống. Thông qua bộ phim được “biên kịch” bởi Ron Chernow, các diễn viên lần lượt xuất hiện trong những bối cảnh khác nhau và tổng thể, nó vẽ lên bức tranh của một tổ chức gạo cội trong ngành Ngân hàng Mỹ – ngân hàng Morgan.
Gia tộc Morgan được trình bày trong 36 Chương nội dung với khoảng 1.000 trang. Mạch truyện của cuốn sách được chia làm ba giai đoạn lớn (hay ba Thời kỳ) lớn.
Gia tộc Morgan và Thời kỳ Các ông trùm
Thời kỳ đầu tiên là thời điểm trong những năm trước 1913 hay còn gọi là Thời kỳ Các ông trùm (Baronial Age) (theo cách gọi của Pierpont Morgan). Trong thời kỳ này, họ tài trợ cho việc xây dựng kênh đào và đường sắt, nhà máy thép và các hãng tàu, cung cấp vốn cho một đất nước công nghiệp non trẻ.
Trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt và khó kiểm soát này, ngân hàng giải quyết tranh chấp giữa các công ty và tổ chức các tờ-rớt để chế ngự cạnh tranh. Đóng vai trò trung gian giữa người cần vốn và nhà cung cấp vốn, họ giám sát sự phát triển của ngành công nghiệp. Chịu trách nhiệm phân phối nguồn vốn khan hiếm, họ thường mạnh hơn những công ty được tài trợ và dần nắm quyền kiểm soát.
Điều này tạo ra một thế hệ chủ ngân hàng quyết đoán. Họ là những người đã làm nên các khối tài sản khổng lồ đến khó tin. Điều này tạo ra một nỗi lo ngại trong công chúng và cuối cùng là dẫn tới việc các chiến dịch chính trị nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của những con người và tổ chức này được nổ ra.
Gia tộc Morgan và Thời kỳ Ngoại giao
Thời kỳ Ngoại giao (Diplomatic Age) của gia tộc Morgan là thời kỳ của J. P. Morgan, Jr.,. Trong thời kỳ này, các ngân hàng bị bao vây bởi hai cuộc chiến tranh thế giới. Một lẽ tất yếu, những ngân hàng tư nhân sẽ trở thành “phụ tá” của chính phủ. Họ được yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ bí mật và vận hành ngang cấp với ngân hàng trung ương. Nhưng với các ngân hàng Morgan thì khác.
Các ngân hàng Morgan lúc này đóng vai trò môi giới quyền lực và đại diện không chính thức của chính phủ tại các hội nghị toàn cầu. Là thân tín của vua, tổng thống và giáo hoàng, họ vận hành dưới sự giám sát chặt chẽ của Washington hay Nhà trắng trong các giao dịch ở nước ngoài. Đối với thế giới bên ngoài, họ được xem như bộ mặt hữu hình của các chính sách mà chính phủ Mỹ đưa ra. Ở quốc gia sở tại, họ tiếp tục giữ vai trò “ngân hàng truyền thống” đối với những công ty mà nhu cầu hỗ trợ tài chính ngày càng suy giảm.
Bằng việc duy trì mối quan hệ độc quyền đối với khách hàng, các cổ đông của Morgan tận hưởng sự xa hoa trong một thế giới tốt đẹp và không bị hối thúc bởi các tiêu chuẩn hiện đại.
Gia tộc Morgan và Thời kỳ Canh bạc
Thời kỳ Canh bạc (Casino Age) là thời kỳ được diễn ra sau những năm chiến tranh thế giới. Tại thời điểm này, các ngân hàng bắt đầu mất quyền kiểm soát đối với khách hàng của mình trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường toàn cầu. Cán cân quyền lực trong thời kỳ này có sự thay đổi mạnh mẽ.
Các tổ chức đa quốc gia đã phát triển mạnh hơn ngân hàng và đối đầu với họ cả về nguồn vốn lẫn chuyên gia tài chính. Các tổ chức đầu tư, ví dụ như công ty bảo hiểm, quỹ tương hỗ và quỹ hưu trí đưa ra những nguồn lực đối kháng mới. Cùng với việc các công ty và chính phủ có khả năng huy động vốn bằng nhiều loại tiền tệ và ở nhiều quốc gia, cán cân quyền lực đã thay đổi mạnh mẽ và không còn nghiêng về phía ngân hàng.
Trong thời đại mà những tin tức hàng ngày đều nói về các giao dịch lớn với trị giá hàng tỷ đô-la, việc cán cân quyền lực không còn nghiêng về ngân hàng có vẻ thiếu hợp lý, tuy nhiên câu chuyện của Morgan cho thấy phong cách mới của nền tài chính chấp nhận rủi ro cao quả thực là dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của phía ngân hàng. Đây là một canh bạc vô cùng mạo hiểm và nó đúng với cái tên của Kỷ nguyên này. Canh bạc này có thể được diễn giải như sau:
- Khi những khách hàng cũ không còn bị bó buộc trong mối quan hệ độc quyền liên quan tới vốn thì đồng nghĩa với việc các ngân hàng quý tộc khi đó cũng phải vội vàng đi tìm kiếm cơ hội kinh doanh và thị trường mới.
- Có một miền đất hứa dành cho những ngân hàng này và miền đất ấy chính là thế giới của những vụ thâu tóm khốc liệt. Khi nhảy sang miền đất hứa này, bản thân các ngân hàng quý tộc sẽ được giải cứu nhưng mặt trái rất khủng khiếp chính là nó tạo ra hàng loạt các mối đe doạ tới nền kinh tế chung.
Tựu chung, Ron Chernow đã chứng minh được một luận điểm vô cùng sắc bén thông qua cuốn sách Gia tộc Morgan: Khi nền tài chính thế giới đạt độ chín muồi, quyền lực chia đều cho tất cả tổ chức và trung tâm tài chính. Tuy nhiên luận điểm này cũng không thể phủ nhận được một thực tế rằng “sẽ không bao giờ có một ngân hàng quyền lực, bí ẩn hay giàu có như Gia tộc Morgan nữa”.
Sẽ không một doanh nghiệp nào có thể mô phỏng những gì mà Rothchilds thể hiện trong thế kỷ XIX hay Morgan trong thế kỷ XX trong vòng 100 năm tới.
Kết
Gia tộc Morgan của Ron Chernow là cuốn sách được nghiên cứu và ghi chép lại một cách đầy xuất sắc và công phu. Dưới ngòi bút lão lãng và bền bỉ của một cây viết từng vinh dự đoạt giải Pulitzer Prize for Biography, cuốn biên niên sử về gia tộc Morgan được ra đời với sứ mệnh mang tới cho độc giả trên toàn thế giới một góc nhìn sống động nhất về một chủ đề gần như khô khan nhất trong một tổ chức ngân hàng được coi là vĩ đại bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Với sự sắc sảo trong văn phong, kết hợp với tinh thần nghiên cứu nghiêm túc trong quá trình tìm hiểu và thu thập tài liệu, Ron Chernow đã làm nổi bật cái cách mà ngân hàng Morgan trở thành biểu tượng cho kỷ nguyên lãnh đạo của người Mỹ và sự dịch chuyển quyền lực tài chính từ London sang New York.
Với 36 Chương nội dung và hơn 1.000 trang sách, bức chân dung về tổ chức mà chúng ta vẫn gọi là gia tộc Morgan sẽ được phơi bày. Tất cả gói gọn trong cuốn sách Gia tộc Morgan của Ron Chernow.