100 Ý Tưởng PR Tuyệt Hay
Tác giả | Jim Blythe |
Thể loại | Kĩ Năng Quan Trọng |
Chủ đề | Marketing PR Quảng cáo |
Số lượt xem | 27 |
Tổng thời gian nghe | 11 giờ 16 phút |
Tổng thời lượng sách nói | 03 giờ 19 phút |
“... Thành công vượt bậc trong PR đều nhờ làm khác với những gì mà tất cả những người khác đang làm.”
Nội dung của câu nói này không hề mới nhưng nó một lần nữa xoáy sâu trong tôi về tầm quan trọng của sự sáng tạo đối với người làm PR. Và tôi cũng thực sự ngưỡng mộ chủ nhân của câu nói này – Jim Blythe, vì sự am tường sâu sắc và phong phú của ông về những ý tưởng PR thú vị và khôn ngoan của các công ty, tổ chức trên khắp thế giới. Sách nói “100 ý tưởng PR tuyệt hay” của ông ra đời, không chỉ đúc kết những ý tưởng xuất sắc nhất, mà hơn thế, là sự chia sẻ tri thức một cách chân thành và đầy tâm huyết của một bậc tiền bối lão làng đối với những lớp người đi sau trong ngành truyền thông cạnh tranh quyết liệt này.
Quan hệ công chúng hay còn gọi là PR (Public Relations) đang dần nổi lên như một công cụ quan trọng trong công tác truyền thông của các công ty, tổ chức. Tuy nhiên, không phải lúc nào người ta cũng dồi dào những ý tưởng mới mẻ, giá trị và khả thi cho mỗi dự án, mỗi sản phẩm của mình. Và “100 ý tưởng PR tuyệt hay” đã thành công trong việc đưa ra những gợi ý hữu ích cho những nhà PR đang mắc kẹt trong mớ bòng bong ý tưởng. Song sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Jim Blythe chỉ đơn thuần liệt kê ra 100 ý tưởng mà ông cho-là-hay-ho. Trong trường hợp như vậy, bất cứ ai khi cầm cuốn sách này lên cũng sẽ cùng bật ra câu hỏi: “Ý tưởng này có thực sự khả thi, có mới lạ, đặc sắc và thu hút công chúng không?...” cùng vô vàn thắc mắc khác. Và để thỏa mãn hàng loạt thắc mắc vô cùng hợp lý này, cuốn sách đã nêu ra những vấn đề, thực trạng, chi tiết ý tưởng và ứng dụng cho ý tưởng đó. Không những vậy, tính thực tế của cuốn sách được đẩy lên hàng đầu thông qua câu chuyện về nguồn gốc ra đời của mỗi ý tưởng: ở công ty nào, trong trường hợp nào, kết quả ra sao... Tất cả mọi thứ được thể hiện rõ ràng và tỉ mỉ nhưng vẫn đáp ứng được tính súc tích và khoa học.
Truyền thông là một ngành đòi hỏi kinh nghiệm thực tế và tính ứng dụng cao. Chính vì thế, thay vì lựa chọn những cuốn sách chuyên ngành khô khan và xa rời thực tế, một cuốn sách như thế này chắc chắn sẽ được đánh giá cao hơn, mang lại những kiến thức thực sự bổ ích đối với độc giả. “100 ý tưởng PR tuyệt hay” được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2009, dĩ nhiên không tránh khỏi việc một số ý tưởng đã không còn mới lạ vào thời đại của năm 2016. Đơn giản là bởi các ý tưởng đó đã được áp dụng rộng rãi và mang lại thành công vang dội cho nhiều công ty, tổ chức. Bên cạnh đó, vẫn có những ý tưởng chưa được biết đến hoặc áp dụng nhiều. Và dù mới lạ hay xưa cũ, một vài ý tưởng mà Jim Blythe đưa ra trong cuốn sách thực sự làm tôi thấy quan tâm và hứng thú. Bạn có tò mò không nếu những ý tưởng tưởng như đã trở thành lối mòn trong ngành truyền thông vẫn thu hút tôi đến thế? Nếu có, đừng ngần ngại tìm lời giải đáp ở chính những trang sách của Jim Blythe!
Tôi không cố gắng ép mình phải đọc theo trình tự 100 ý tưởng trong cuốn sách. Bởi 100 ý tưởng là 100 câu chuyện khác nhau, sẽ thật là cứng nhắc và gò bó khi đọc một mạch từ đầu đến cuối như đọc một cuốn tiểu thuyết chương hồi. Tôi tự khơi gợi cảm hứng đọc sách bằng việc xem qua mục lục, chọn ra các ý tưởng gây tò mò và hứng thú với mình và chìm đắm trong những câu từ, những lập luận gãy gọn và sắc sảo của tác giả.
Ý tưởng tôi chọn ra đầu tiên là ý tưởng số 72: “Đăng tiểu sử của bạn lên wikipedia”. Wikipedia – bộ bách khoa toàn thư trực tuyến, giờ đã không còn xa lạ gì với chúng ta bởi rất thường xuyên, khi bạn gõ một từ khóa nào đó trên Google, kết quả tìm kiếm đầu tiên hiện ra là của wikipedia.org. Jim Blythe đã khẳng định rằng “Wikipedia thích hợp cho công việc PR” bởi bạn hoàn toàn có thể tự tạo ra một trang tiểu sử của riêng mình hoặc của công ty lên Wikipedia với những thông tin về lịch sử hình thành, bộ nhận diện thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ bạn cung cấp,... và đặc biệt là nó miễn phí! Nhưng tác giả đã nhấn mạnh bằng cách nhắc đi nhắc lại một điều: “Viết đúng sự thật. Bạn không làm vậy thì người khác sẽ làm!” Đừng bao giờ thổi phồng sự thật bởi Wikipedia là một diễn đàn mở, bất cứ ai cũng có thể sửa đổi bài viết của bạn, dĩ nhiên bao gồm cả đối thủ của bạn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn phải thường xuyên quản lý những gì mà bạn đã đăng vì nó hoàn toàn có thể bị sửa đổi bởi người khác lúc nào không hay!
Ý tưởng thứ hai thu hút sự tò mò của tôi là “Gieo trồng từ lúc còn thơ”. Quả thật trước đây tôi luôn nghĩ rằng quảng cáo mới tác động nhiều đến trẻ em, điều mà PR thường chỉ có thể làm với người trưởng thành. Nhưng ý tưởng này đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của tôi. Jim Blythe kể câu chuyện về “Roy of the Rovers” – bộ truyện tranh kể về một đội bóng hư cấu Melchester Rovers được đăng trên một tạp chí bóng đá từ năm 1954 đến năm 2000. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như bộ truyện này không có sự bảo trợ của McDonald’s, Subbuteo và cả Nike. Việc bảo trợ cho một đội bóng không hề có thật nghe có vẻ thật kì dị nhưng lại mang đến những lợi ích bất ngờ, đặc biệt là việc ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ trẻ em suốt 46 năm ròng, bên cạnh đó là chi phí thấp hơn nhiều so với việc đầu tư cho một đội bóng thực sự, tránh được những mặt trái của giới bóng đá... Tuy nhiên, khi mà truyện tranh dần bị thay thế bởi trò chơi điện tử, điện thoại di động,... thì người làm PR lại đứng trước thách thức phải nhanh chóng tìm ra những con đường mới hơn đi vào tiềm thức của các khách hàng tiềm năng ngay cả khi họ có thể chỉ là một đứa trẻ.
Vị trí cuối cùng trong “top 3” ý tưởng mà tôi cho rằng hay ho nhất là “Khoa học nghiên cứu người dùng bằng câu chuyện”. Ý tưởng này nghe có vẻ hàn lâm nhưng thực ra nó chính là việc tìm hiểu tâm lý khách hàng để PR sản phẩm một cách hiệu quả nhất và ở thế kỉ XXI, khi mà “người ta thường có vẻ bị ám ảnh bởi bản thân” (Jim Blythe) thì cách này lại đặc biệt phát huy tác dụng. Chính tôi đã từng trải nghiệm ý tưởng này khi đặt mua một thỏi son màu đỏ rượu ngay sau khi đọc bài viết có tiêu đề “Thỏi son hoàn hảo cho các cung hoàng đạo” trên một trang web bán mĩ phẩm. Họ đã thành công trong việc bán cho tôi thỏi son đó mà theo miêu tả thì “vô cùng hợp với vẻ đẹp vừa kiêu sa lại vừa thuần khiết của cung Song Tử”. Tôi tin rằng có rất nhiều cô gái khác cũng đã đặt ngay một thỏi son nghe-nói-là-phù-hợp với cung hoàng đạo của mình mà quên không xét đến những khía cạnh khác như màu da, chất son...
Jim Blythe mang đến cho chúng ta đến 100 ý tưởng PR thú vị, có thể bạn sẽ không có hứng thú với những ý tưởng mà tôi quan tâm nhưng bạn hoàn toàn có thể tìm thấy nhiều điều bổ ích xung quanh 97 ý tưởng còn lại. Bởi vì hơn cả một sự liệt kê ý tưởng, đằng sau hơn 200 trang sách tâm huyết của Jim Blythe còn là những lời khuyên, những lưu ý, những gợi ý chân thành nhất mà ông dành cho tất cả những ai dành hết đam mê cho nghề PR...